(Toquoc)- Nguyễn Trung Thu được bạn đọc biết
đến với tư cách một nhà thơ. Anh là tác giả các tập thơ Em hoặc không ai cả
(1995), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (1996), Kỷ niệm về lời ru buồn (1998),
Đôi mắt xa xăm (2004), Tím biển biếc trời (2004) và tập Thao
thiết tiếng khuya (2009) kịp ra mắt trước khi tác giả qua đời vì bệnh ung
thư phổi. Đó là những bài thơ đậm đà tình yêu với Hà Nội, nơi anh sinh ra, với
đồng chí, đồng đội, với bạn bè và đặc biệt với những người thân yêu ruột thịt,
kẻ còn người mất.
Bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác được viết một năm sau ngày nhập ngũ, binh nhì Bộ đội Thông tin Nguyễn Trung Thu tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đang hồi ác liệt (1972), ít lâu sau được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc, với giai điệu thiết tha hùng tráng: Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước, con đường Bác mới đi qua đã là một ca khúc được hát trên nhiều nẻo đường mặt trận những năm cả nước có chiến tranh. Nhiều chương trình ca nhạc truyền thống hiện nay cũng không thể thiếu ca khúc tiêu biểu này.
Nhưng,
trong những năm cả nước có chiến tranh, đường đời của mỗi người không thể do
mình chọn lựa theo năng khiếu, nguyện vọng riêng. Đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc
cần - Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành làm nên phẩm chất đặc biệt của cả
thế hệ. Và trong dòng đời biến động dữ dội đó, bằng ý chí và nghị lực, với khả
năng được đào tạo, nhiều người, trên nhiều vị trí công tác khác nhau, đã khẳng
định được mình để có những đóng góp vào sự nghiệp chung.
Nhà
thơ Nguyễn Trung Thu là một người như thế.
Nguyễn
Trung Thu sinh ngày 26-9-1938 tại Làng Kim Liên thuộc quận Đống Đa- Hà Nội. Lên
6 tuổi mất cha, lên 10 tuổi mất mẹ, khi năm mẹ con tản cư ra vùng kháng chiến ở
Ninh Bình, Thanh Hóa. Sau hoà bình 1954, Nguyễn Trung Thu theo gia đình hồi cư
về Hà Nội tiếp tục đi học. Năm 1960, thi đậu vào khoá V Khoa Ngữ Văn Đại học
Tổng hợp. Là sinh viên có học lực giỏi, anh được học thêm Khoá 4 năm đầu tiên
của Khoa. Ra Trường, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy.
Năm
1971, trong đợt Tổng động viên, anh cùng hàng ngàn sinh viên và 60 cán bộ giảng
dạy các trường Đại học nhập ngũ, vào bộ đội thông tin, chiến đấu ở chiến trường
miền Nam. Năm 1972 phục vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, anh
được điều về Tạp chí Quân đội nhân dân. Mặc dầu trái ngành đã học, nhưng
những năm ở đây, anh là một cây bút thường xuyên có các bài viết về lý luận và
nghệ thuật quân sự trên tờ Tạp chí nghiên cứu và lý luận về quân sự của Quân
đội nhân dân Việt Nam. Sau hơn mười năm mặc áo lính, nhà thơ, cán bộ giảng dạy
Đại học Nguyễn Trung Thu lại được điều chuyển về Ban Tư tưởng Văn hoá Trung
ương. Mọi kiến thức và kỹ năng công việc lại phải tự học, tự nâng cao để đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ của một cán bộ, rồi một chuyên viên ở cơ quan Tham mưu của
Đảng về Tư tưởng và Văn hoá, một người phải có năng lực nói- đọc- viết, có khả
năng tổng kết và hệ thống các vấn đề cụ thể. Gần 20 năm ở Ban Tư tưởng Văn hoá,
rồi ở Tạp chí Tư tưởng của Ban (1983- 2000?), ngoài các bản tổng kết, soạn thảo
các bài viết cho nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp; dưới hàng chục bút danh, anh
đã viết hàng trăm bài in trên nhiều tờ báo và tạp chí để nghiên cứu, giới thiệu
các vấn đề về văn học, nghệ thuật, các tác giả và tác phẩm được chú ý. Nhưng
phần quan trọng hơn, tác giả giành nhiều công sức và tâm huyết nghiên cứu, phân
tích giới thiệu, trình bày và thuyết minh một cách chi tiết và công phu các tư
tưởng về Văn hoá- Văn nghệ được đặt ra trong các nghị quyết và văn kiện của
Đảng, trong cuộc đời và tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vấn đề trong
thực tiễn đời sống văn hoá của đất nước. Với trách nhiệm một chuyên viên của
Ban, anh còn được giao tổ chức việc thẩm định một số tác phẩm được coi là có
vấn đề. Không chỉ tổng kết một cách khách quan và khoa học các ý kiến lắm khi
trái chiều một cách gay gắt, Nguyễn Trung Thu còn phải chủ động đề xuất ý kiến
đánh giá một cách rõ ràng, trả lời những người có ý kiến phê phán và phủ định
một cách thái quá quanh các tác phẩm như Búp sen xanh, Cù Lao Chàm… Với
văn học, ngoài thơ, anh còn viết truyện, ký, lý luận phê bình đăng trên nhiều
báo.
Trong
khóa V Khoa Ngữ văn (1960-1964) có nhà văn Liệt sĩ Trần Tiến- Chu Cẩm Phong,
cho đến nay là cựu sinh viên duy nhất của Khoa Ngữ văn được tuyên dương Anh
hùng, Liệt sỹ Nguyễn Hồng Tân hy sinh ở cửa ngõ vào Sài Gòn cùng ngày, cùng nơi
với nhà thơ Anh hùng Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân, nhà thơ Bùi Minh Quốc, một gương
mặt thơ nổi trội trong thế hệ nhà thơ những năm chống Mỹ, Nguyễn Trung Thu đươc
xem là cán bộ chính trị nghiêm túc nhất. Sống chân tình, xử sự mọi việc chu đáo
và khoan hòa. Nhiều năm anh sống gần nhà nhà văn Nguyễn Minh Châu trong khu tập
thể quân đội ở Số 3 Ông Ích Khiêm. Anh là người được nhà văn yêu mến, tin cậy
và gửi gắm nhiều tâm sự. Khi lâm bệnh nặng, chạy chữa nhiều nơi, biết là không
qua khỏi, nhà văn đã gửi gắm Nguyễn Trung Thu và tôi lo phần di cảo cho ông. Do
nhiều lý do đến nay việc đó không thực hiện được. Nào ngờ, giờ đây, cùng với
chị Nguyễn Thị Hòa, người bạn đời của nhà thơ, chúng tôi phải sắp xếp, tập hợp
để có Dấu ấn Nguyễn Trung Thu.
Khi
còn sống, là một người nghiêm cẩn và khiêm tốn, Nguyễn Trung Thu đã không nghĩ
đến việc in thành sách các bài viết này. Hai năm sau khi tác giả qua đời, (Ngày
6-6-2009) gia đình và bạn bè gom nhặt, sưu tầm từ những gì tác giả đã viết và
in trên nhiều sách báo trong hai thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ XX và những năm
đầu thế kỷ XXI cùng các di cảo và di bút để làm nên mấy tập sách:
-
Góp phần tìm hiểu tư tưởng về văn hóa văn nghệ của Đảng và Hồ Chủ Tịch (Nxb
Chính trị Quốc gia)
-
Nhật ký bằng thơ: Nhật ký Trường Sơn (Nxb Văn học)
-
Dấu ấn Nguyễn Trung Thu (Nxb Hội Nhà văn)
Là
sản phẩm công dân một thời lấy sự nghiệp chung làm lý do phấn đấu và tồn tại,
mỗi người, trong chừng mực có thể, khi hoàn thành những nhiệm vụ được phân
công, vẫn có thể để lại dấu ấn tâm hồn, tình cảm và nhân cách trong từng lời
nói, việc làm, cách cư xử với người chung quanh. Với Dấu ấn Nguyễn Trung Thu,
hy vọng bạn đọc có thể hiểu thêm về cuộc đời và tâm nguyện của một nhà thơ
thuộc thế hệ đã góp sức kiến tạo nên một đất nước độc lập trong thống nhất.
Ngô
Thảo
No comments:
Post a Comment