.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, January 24, 2013

UV BCH HỘI NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TIẾN: “IM ỈM LÀ CÓ KHI BỊ CHAN TƯƠNG ĐỔ MẺ VÀO MẶT OAN”


Nói chung, tôi là kẻ hay sốt ruột. Vụ “thơ thiền”, “thơ nhập đồng” năm vừa rồi, hay một vài vụ khác cũng vậy. Đúng thì nói đúng. Sai thì nhận sai. Và phải lên tiếng cho thiên hạ biết đi chứ? Im ỉm đi, “cứt trâu để lâu hóa bùn” là không được. Thời buổi thông tin mạng rộng khắp và nhanh như chớp bây giờ, càng không thể im ỉm. Im ỉm là có khi bị chan tương đổ mẻ vào mặt oan. Nhưng gửi thư, gọi điện, hay phát biểu bức xúc trong hội nghị thế thôi. Còn trong thực tế, tình hình có “chuyển” hay không lại… nằm ngoài tầm tay của tôi.
UV BCH HNV Trần Đức Tiến (đầu tiên bên trái) đang khoanh tay phê lồi
người không quần đang che "hàng" là Thường vụ HNV VN Nguyễn Thị Thu Huệ. Ảnh: Blog Văn Công Hùng

Thời buổi này mà không công khai, minh bạch
thì phải chuốc lấy nhiều hệ luỵ
DƯƠNG PHƯƠNG VINH
Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Trần Đức Tiến cho biết khi hội viên hỏi về cơ chế xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…, anh cũng chẳng biết đường nào mà trả lời vì có ai cho biết đâu.
* Nhà văn Văn Chinh bảo việc anh ấy được giải thưởng Hội Nhà văn (HNV) năm nay trong bối cảnh có người không nhận và lại công khai phê phán Hội đồng chung khảo khiến anh ấy “bị tóe bùn lây” nhưng anh ấy có thể chia sẻ được với người phản đối đó bởi “văn mình vợ người, người mẹ thường không thấy các nhược điểm của con mình”. Anh cũng bị tóe bùn lây dịp này đúng không?
- Chuyện ì xèo quanh Giải thưởng Hội Nhà văn năm nay, tôi không muốn nhắc lại nữa, sau khi đã có Thông báo chính thức của Hội và bài trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ của nhà văn Đình Kính. Còn việc bị “tóe bùn”, tôi chỉ cười thôi. Tôi đang tập làm quen với “tóe bùn”. Cách tốt nhất là nghĩ đến chuyện gì đó vui vui…
* Vừa rồi anh nghĩ đến chuyện gì?
- Chuyện cô cháu ngoại 5 tuổi của tôi. Cháu rất thích vẽ vời. Mỗi lần nguệch ngoạc xong bức tranh lại hí hửng đưa cho bà chấm. Bà nịnh cháu, toàn cho điểm 10. Một lần, không hiểu sao bà lại chỉ chấm có 9,5. Thế là cháu lăn ra đất, giãy đành đạch bắt đền. Báo hại ông phải đến dỗ mỏi mồm. Dỗ xong cũng phải “cảnh báo” cháu: sang năm con đi học lớp 1, ở lớp cô giáo không cho điểm 10 mà con cứ lăn đùng ngã ngửa ra thế này thì chết con ạ!
* Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa này đông kỷ lục, 15 người rải khắp đất nước nhưng hiệu quả có vẻ chưa rõ rệt so với những nhiệm kỳ vắng vẻ trước đó. Phản ứng rất chậm trước các vụ lùm xùm và dư luận nhằm vào mình. Bản thân anh thấy mình làm được gì ngoài vài lần gửi thư phản đối mấy vụ lùm xùm đó?
- Chưa phải “kỷ lục” đâu. Tôi nhớ có nhiệm kỳ có tới vài ba chục ủy viên chấp hành cơ. BCH nhiệm kỳ này cũng làm được nhiều việc. Nhưng phản ứng chậm, đúng thế. Ngay cơ quan có khả năng “phản ứng nhanh” của Hội là website VanVn.net cũng không nhanh lắm. Vụ giải thưởng vừa rồi, tôi có gửi thư qua email cho các vị trong Ban thường vụ Hội, đề nghị các vị thay mặt BCH tổ chức ngay cuộc họp báo, hoặc chí ít thì cũng phải có thông báo trên báo chí nói rõ mọi chuyện… Nói chung, tôi là kẻ hay sốt ruột. Vụ “thơ thiền”, “thơ nhập đồng” năm vừa rồi, hay một vài vụ khác cũng vậy. Đúng thì nói đúng. Sai thì nhận sai. Và phải lên tiếng cho thiên hạ biết đi chứ? Im ỉm đi, “cứt trâu để lâu hóa bùn” là không được. Thời buổi thông tin mạng rộng khắp và nhanh như chớp bây giờ, càng không thể im ỉm. Im ỉm là có khi bị chan tương đổ mẻ vào mặt oan. Nhưng gửi thư, gọi điện, hay phát biểu bức xúc trong hội nghị thế thôi. Còn trong thực tế, tình hình có “chuyển” hay không lại… nằm ngoài tầm tay của tôi.
* Theo tôi được biết, một số nhà văn nhà thơ được Hội gợi ý, kêu gọi làm đơn vào Hội nhiều lần nhưng họ nhất quyết từ chối. Tuy vậy số muốn “đâm đơn” vào vẫn đông khủng khiếp…
- Thực ra cái mong muốn mãnh liệt được vào Hội cũng có “vẻ đẹp” riêng của nó đấy (cười). Không có gì đáng trách. Chỉ đáng trách một số người tìm mọi cách để “lẻn” vào Hội. Và khi đã khoác cái danh nhà văn lên người thì… bỗng nhiên khác đi kinh lắm! Đến khách sạn thuê phòng không trình chứng minh nhân dân đâu, mà đưa thẻ nhà văn cơ. Nhà văn “trung ương” về địa phương thì phải biết! Đệ tử xúm xít bưng bê. Rượu vào lời ra ngất ngưởng. Trên đời không gì oách xà lách bằng nhà văn. Mà văn chương thì thiên hạ là cái đinh, chỉ có anh mày nhất… Vân vân đủ trò. Ấy là chưa kể còn có ông lợi dụng danh nghĩa nhà văn để đánh quả, kiếm chác. Nhưng tôi cũng biết và thân với một số người viết văn có tài nhưng không vào Hội. Mời họ vào nhiều lần có khi còn bị họ mắng cho. Ai làm việc gì cũng có lý do của mình. Tôi vẫn luôn luôn kính trọng họ.
* Thế mới biết cái danh nhà văn quốc doanh vẫn lớn lắm? Nhiều người bảo, có ông làm thơ như vè mà vẫn được kết nạp?
- Chị cũng nghe thấy thế à? “Tồn tại của lịch sử” đấy, chứ không phải chỉ xảy ra trong nhiệm kỳ này đâu. Việc kết nạp hội viên hầu như năm nào cũng xảy ra điều này tiếng nọ. Làm sao tránh được, khi việc xem xét vẫn còn  phần nào dựa vào cảm tính? Ai trong BCH dám bảo mình đã đọc đủ để đánh giá đúng năng lực văn chương của những “ứng cử viên” vào Hội? Gần đây BCH có “sáng kiến” yêu cầu mỗi ứng viên (thơ) gửi đến 10 bài thơ tự chọn để đọc trước. Nhưng cách này cũng chỉ như “chữa cháy” tạm thời thôi.
Vào được Hội đã khó, ra thì gần như không thể. Trừ phi những ông bà vần vè ấy phạm tội tầy đình ngoài văn học. Chứ còn phạm tội trong văn học (viết dở chẳng hạn) thì chỉ bạn đọc “xử” được họ, còn Hội xưa nay vẫn… tha bổng!
* Giải thưởng của giới nhà văn, từ giải thưởng hàng năm cho đến giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn gây dư luận ồn ào. Theo anh bất cập lớn nhất nằm ở khâu nào?
- Đã có lần tôi phát biểu trong hội nghị BCH Hội Nhà văn: Hội thành lập hội đồng cơ sở (hội đồng chuyên môn của Hội, xem xét đề cử tác giả, tác phẩm lên hội đồng trung ương để quyết định tặng giải Nhà nước, giải Hồ Chí Minh) thì cũng phải cho anh em chúng tôi biết với chứ? Hội viên nhiều người gọi điện đến hỏi: “Này ông chấp hành, hội đồng cơ sở gồm những ai?”. Chúng tôi chịu. Tương tự, một số việc khác cũng “chịu” luôn. Có khi đành phải bảo: “Ông đi mà hỏi thường vụ”…
Tôi nghĩ: thời buổi đang rất cần công khai, minh bạch mà không công khai, minh bạch được thì ắt phải chuốc lấy nhiều hệ lụy.  
* Từ hàng chục năm trước, nhà văn Lê Lựu đã nói: 5 năm không đọc cuốn sách Việt Nam nào cũng không sợ lạc hậu. Bây giờ thì sao, mấy năm không đọc văn học Việt Nam đương đại thì có bị lạc hậu, theo anh?
- Nói thế chắc ông Lê Lựu (và những người phát biểu như ông ấy) phải thông minh siêu phàm và cực kỳ nhạy cảm. Có khi các ông ấy đi trước thời đại dễ đến vài ba chục năm! Tôi chỉ lẽo đẽo đồng hành cùng những người đương thời mà lắm khi cũng hụt hơi. Vả lại, tôi đọc sách chủ yếu vì thú vui của mình, chứ không vì muốn vượt lên hay đau đáu sợ bị tụt hậu. Với sách văn học Việt Nam đương đại, quyển nào tôi “ngửi” thấy hay là tôi đọc liền. Quyển nào được báo chí lăng xê om sòm thì tôi gác lại 5 năm. Quyển nào chính tác giả của nó tự lăng xê thì sẽ gác lại thêm 3 năm nữa, là 8 năm.
* Anh có đọc blog, trang web văn chương của ai? Qua một số trang web văn chương mấy năm gần đây, thấy sĩ khí của nhiều nhà văn cũng có vẻ nâng cấp đấy chứ, bớt “tự trói” như ngày xưa?
- Vâng, chúng ta, trong đó có các nhà văn, đang quen dần với dân chủ. Internet giúp người ta mạnh bạo lên nhiều. Rất tiếc tôi không dành nhiều thì giờ cho mạng. Tôi “đọc” dư luận bên ngoài trước, thấy cần vào mạng thì mới vào.
* Nguyễn Việt Hà người đã in khoảng 400 tạp văn, có một cuốn tựa là “Nhà văn thì chơi với ai”. Theo anh nhà văn thì nên chơi với ai?
- Cụ Nguyễn Công Hoan có một cái truyện ngắn tên rất hay: “Tôi cũng không hiểu tại làm sao?”. Thưa chị, tôi cũng không hiểu tại làm sao bạn bè thân thiết nhất của tôi thường không phải là nhà văn?
* Cảm ơn anh.
THEO TIỀN PHONG - 23.01.2013

No comments:

Post a Comment