.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, January 24, 2013

CÕI NHÂN SINH NHÀU NÁT TRONG THOẠT KỲ THỦY CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Tiểu thuyết đương đại Việt Nam nói riêng là thế giới đa chiều kích. Tận dụng khả năng chưa đông cứng của tiểu thuyết, táo bạo trong thể nghiệm bút pháp hậu hiện đại, nhiều cây bút đã mang đến cho độc giả những bữa tiệc văn chương với thực đơn đầy tính mời mọc.
Thoạt kỳ thủy
[1] của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho những thể nghiệm nói trên. Cuốn tiểu thuyết dắt người đọc vào một mê lộ nghệ thuật. Độc giả muốn thâm nhập sâu hơn hoặc thoát khỏi mê lộ đó là phụ thuộc vào chính tầm đón nhận của họ.

 
“Nếu chủ nghĩa hiện đại thường tỏ ra ưu tư chán chường trước trạng thái tha hóa của nhân sinh, thì chủ nghĩa hậu hiện đại càng dị thường hóa, ảo giác hóa sự tha hóa đó để vừa lấy làm thú vị, vừa khiếp sợ”
[2]. Thế giới Thoạt kỳ thủy là thế giới của những con người vô trách nhiệm, u tối bản năng với những dục vọng không được kiềm chế, bung phát thành những hành động phi lý trí, phi nhân tính… Cả một thế giới thu nhỏ trong ngôi làng Linh Sơn cháy sôi lên bởi những bản năng tính dục, bản năng xâm hại, hủy diệt… (Cái nghề đập đá của làng như thể phần nào giúp con người ta giải tỏa cái ẩn ức xâm hại, hủy diệt kia. “Khi đập, bà Liên lẩm bẩm: “Chết cha mày, chết cha mày. Thằng già khốn kiếp!”. Đá vỡ đều hơn, chắc hơn”). Âm thanh tiếng đập đá, tiếng nổ mìn phá đá gầm rung núi Hột, bãi Nghiền Sàng… càng làm cho cái hoang sơ, man dã, ma quái, trống trơ tình người tăng thêm. “Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”. 
Khung cảnh chào đời của Tính đã được “lạ hóa” qua điểm nhìn của chính nhân vật: chỉ có tiếng chó sủa, tiếng gặm chén (cho đỡ nhớ rượu) của bố, ánh trăng như một hung thần…; không vành nôi, không câu hát, không háo hức đợi chờ của người bố (vì “thiếu đếch gì, còn khối!”). Những lạnh lẽo, sự đe dọa, cảnh khiếp sợ mà buổi lọt lòng Tính đã chứng kiến sẽ ám Tính, vây bủa Tính suốt đời. Hơn ba mươi lần trong truyện nhắc đến nỗi ám ảnh của Tính qua câu văn tựa hồ câu thơ: “Mắt chó vàng như trăng”. Trăng trở thành hình ảnh phản truyền thống đắc địa, không còn thơ mộng, bao dung mà là biểu tượng của sức hủy diệt, đe dọa, vùi lấp và chứa cái lạnh lẽo, rên xiết bất tận. “Đêm. Tính không ngủ được vì trăng. Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết”.
Liền kề với trăng là hình tượng máu. Có thể nói, tác phẩm ngập trong sắc máu: máu đổ trong chiến tranh, máu trong câu chuyện “khoặp cổ” của Hưng; máu từ cổ lợn “phun ra đỏ rực” dưới bàn tay của ông Điện, ông Thụy, của Tính; máu từ miệng ông Xuân, cô Nheo thổ ra trước khi chết; máu phun thành tia từ yết hầu thằng bé điên; máu trong giấc mơ bà Liên; máu rớm từ vú Hiền cà mạnh trên đá; máu nhuộm đỏ mặt Hưng; máu trào từ cổ của ông Phùng, ông Khoa, Tính; máu từ trán con trâu khi núi Hột đổ; máu từ ngực con cú trên sông… Đặc biệt ám ảnh hơn cả là máu trong những cơn khát của Tính; giấc mơ nào của Tính cũng ít nhiều vấy máu, ngay cả trăng và đá cũng như thể tuôn máu. “Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”. “Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra”. “Gió thổi. Tảng đá nâu nổi gân hồng. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất”. Máu túa ra từ những vô thức bám lấy giấc mơ Tính làm cho màu sắc siêu thực, dị thường, ảo giác của tác phẩm tăng lên.
Câu chuyện mà Tính say mê đầu đời không phải là một bài học, một truyện cổ tích mà là những chuyện “khoặp”, “cắn cổ” Mỹ, cảnh đốt trại tù binh “lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên” của Hưng, là cảnh Tây thu từng đống người chúng tàn sát “đem ra rừng lấp hờ. Tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết. Chừa độc cái đầu” của ông Thụy… Vật mà Tính say mê đầu đời không phải là đồ chơi, cây bút mà là con dao chọc tiết lợn sáng quắc của ông Điện. Lời cổ súy đáng kể mà Tính lưu tâm là “Mày sợ gì. Hồi ở chiến trường tao giết người như ngóe” của Hưng. Càng về sau, trang truyện càng dày đặc thêm những đoạn ghi lại những cơn mơ hỗn loạn của Tính và tác phẩm khép lại cũng bằng sự ghép nối những giấc mơ của nhân vật này. Sigmund Freud đã từng nói: “Giấc mơ là hình thức đã được sửa đổi của một biến cố vô thức và sự giải thích giấc mơ có mục đích tìm ra cái vô thức này”. TrongThoạt kỳ thủy, giấc mơ là thấu kính nhiệm màu để Nguyễn Bình Phương soi vào những biến động nơi tâm hồn nhân vật của mình. Tính ngày nay là sự phản chiếu mang tính nhân quả hành động của những con người mà căn nguyên từ thói bất nhân, vô trách nhiệm, sự u tối bản năng. 
Với Thoạt kỳ thủy, bằng lối viết “đa thanh”, Nguyễn Bình Phương còn để cho nhân vật của mình hồn nhiên giải thiênghạ bệ những gì đã được “mặc định” là thiêng liêng, cao quý. Chiến tranh, chính nghĩa cũng như phi nghĩa, chỉ là trò “khoặp”, “cắn cổ”, “chọc tiết” lẫn nhau. Chiến tranh là ngọn gió thổi bùng ngọn lửa bản năng thú tính, sức hủy diệt của ngọn lửa này là bất tận. Nhà văn là người lại có thể ăn thịt chó đã chôn dưới hố (do anh bạn bộ đội đào ngũ bới lên) trong những ngày dài mòn mỏi chờ giải thưởng. “Hai tiếng giải thưởng thoát ra khỏi miệng làm ông Phùng mê đi. Ông Phùng cố lắc đầu cho tỉnh”. Chúa chỉ là “người chết treo”, là “thằng Mỹ nằm dạng chân dạng tay”, là “một người râu tóc màu vàng cởi trần, đóng khố”. Chúa nơi chiếc thánh giá lóe sáng rung rinh trên cổ ông Khoa cũng “bó tay” trong việc giúp ông, đứa con chiên hành nghề hoạn lợn của mình, có thể tránh né lưỡi dao sắc ngọt của tên khát máu…
Thế giới của Thoạt kì thủy là thế giới của những bất an. Dũng cảm, tĩnh tâm đi hết mê lộ tác phẩm, người đọc sẽ ngộ ra lời phản tỉnh: Đừng bao giờ là không con người! Hãy cảnh giác và kịp thời ngăn chặn nguy cơ mất nhân tính khi còn chưa muộn! Hãy nói không với chiến tranh! “Thượng đế đã chết” (Fridrich Nietzsche). Chúa bất lực. Chỉ có tình người may ra có thể cứu sống được tính người!
Các vùng mờ hoá của Thoạt kỳ thủy đã được tạo dựng. Người đọc sẽ tiếp tục suy nghĩ, viết tiếp câu chuyện theo cách của mình. Cuốn tiểu thuyết này dành quyền cho độc giả (và quan toà thời gian) tự do phán xét.
HOÀNG ĐĂNG KHOA
____________________
[1] Nguyễn Bình Phương (2004), Thoạt kỳ thủy, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[2] Phương Lựu (2001), "Về chủ nghĩa Hậu hiện đại", Tiếp tục khơi dòng, NXB Văn học, Hà Nội, tr.180.

No comments:

Post a Comment