Trần Vàng Sao là một người yêu nước. Điều này dễ
dàng khẳng định cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa trực tiếp lẫn gián tiếp,
không chỉ bởi lẽ anh đã chọn bút danh là Trần Vàng Sao, là tác giả của
"Bài thơ của một người yêu nước mình", mà còn chủ yếu là ở thế giới
hình tượng nghệ thuật và thi trình của anh gắn liền với vận mệnh của đất nước
và số phận của nhân dân. Với một quan niệm nghệ thuật thấm đẫm những ưu tư của
đời sống và tư duy nghệ thuật dường như lúc nào cũng "trục trặc" như
chính cuộc sống của người sinh ra nó, đã tạo cho thế giới nghệ thuật của anh,
những đặc điểm riêng.
1. Có khá nhiều thơ viết về
đất nước và phải thừa nhận là có nhiều bài hay, trong đó có những bài đã trở
nên cổ điển, khá phổ biến như "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi hoặc
chương "Đất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của
Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng Trần Vàng Sao có một đất nước của riêng anh. Hình tượng
đất nước trong thơ Trần Vàng Sao không thấm đẫm chất sử thi như "Nước
những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày
xưa vọng nói về" (Nguyễn Đình Thi) và cũng không quyện chặt chất văn
hóa dân gian và lịch sử như "Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà
ăn (...) Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm (...)
Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở" (Nguyễn Khoa Điềm), mà đất
nước trong cái ngước nhìn của Trần Vàng Sao là những gì gần gũi, cụ thể diễn
hằng ngày trong đời sống, là gió sớm mai, nắng trưa gay gắt, là mưa chiều nặng
hạt, là tiếng chim kêu, tiếng chó sủa, tiếng la mắng con của người hàng xóm, là
nỗi nhọc nhằn của mẹ của cha, là "tôi yêu mẹ tôi áo rách/ chẳng khi nào
nhớ tuổi mình bao nhiêu (...)/ mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng/
thương tôi nên ở góa nuôi tôi".
Thật khó tìm thấy những
triết lý cao siêu, những tri thức văn hóa lịch sử đôi khi làm ta không nhớ hết,
mà thơ anh là hơi thở thân thương của cuộc sống những người lao khổ, chưa đủ
cơm no áo ấm, của những "căn nhà dột phên không ngăn nổi gió/ vẫn yêu nhau
trong từng hơi thở/ lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài". Tôi không biết
trong các giáo trình văn hóa Việt Nam họ dạy những gì, nhưng tôi nghĩ văn hóa
Việt không cao siêu trừu tượng, mà hết sức gần gũi, cụ thể, đó chính là văn hóa
đời sống thể hiện trong quan hệ hằng ngày, thực chất là văn hóa ứng xử. Và, vì
vậy, có thể nói, thơ Trần Vàng Sao đầy ắp những vỉa tầng văn hóa Việt/ văn hóa
nhân bản và chính vì được hấp thụ những giá trị văn hóa trầm tích lâu đời ấy,
mà ta ngẩng cao đầu để sống nên người:
tôi yêu đất nước này như
thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
Chỉ trong một bài thơ, anh
nhắc đi nhắc lại hơn mười lần cái mệnh đề "tôi yêu đất nước này..."
như một điệp khúc, trước khi gọi tên đất nước xót xa, cay đắng, áo rách, rau
cháo, lầm than, khôn nguôi... nhưng vẫn bắt nguồn từ căn nhà của mẹ, tấm áo vá
của cha, từ vóc dáng người em kẹp tóc thuở học trò, và nhờ những khung cảnh
thân thương ấy nuôi lớn thành người:
tôi yêu đất nước này chân
thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
(Bài thơ của một người yêu
nước mình)
2. Thực chất, từ trong cội
nguồn lịch sử văn hóa dân tộc, đã hình thành nên đẳng thức: nước là của dân,
dân là của nước. Nên đất nước là của nhân dân và nhân dân của thơ anh là những
người cần lao cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, những mẹ già, những em bé, người
thợ thổi chai, thằng hề, người kéo màn... Chỉ qua những tiêu đề của các bài thơ
cũng có thể nhận ra đối tượng trữ tình mà thơ anh hướng đến là những con người
thuộc tầng lớp dưới, những con người nghèo khổ, bé mọn. Nhân dân của anh còn có
những người đã khuất bởi chiến tranh, là bộ phận chi phối như một nỗi ám ảnh
nặng nề trong tâm tưởng cả đời anh, đến nay đã vào tuổi ngoài bảy mươi, anh
dành hẳn một bài thơ dài có vóc dáng một trường ca thảng thốt kêu lên như một
nhà ngoại cảm "Gọi tìm xác đồng đội" (NXB Hội Nhà văn, 2012). Không
phải bây giờ anh mới quan tâm đến "loại" nhân dân này, mà đã từng
lướt qua "thập loại chúng sanh" trong bài "Văn bia", hoặc
đã từng dựng tượng đài "Tổ quốc ghi công" trong bài "đồng
chí" với niềm hạnh nguyện lặp đi lặp lại như một điệp khúc "mi chết
thật rồi sao", một câu hỏi không có lời đáp lại, như hỏi trời hỏi đất, hỏi
quá khứ, hỏi tương lai, hỏi tai ương chiến tranh hay hỏi chính tâm can mình
thành một lời khẳng định: "mi đã chết thật rồi/ như Nguyễn Thiết Lê Minh
Trường Phạm Bá Thuận Chế Công Việt Trần Văn Nam Nguyễn Thị Nga...". Câu
thơ liệt kê tên các liệt sĩ dài đến hụt hơi, nhưng vẫn chưa đủ tên tuổi những
đồng đội đã hy sinh, anh phải dành hơn ba mươi trang sách khổ lớn (21x29,7cm)
để "Gọi tìm xác đồng đội".
Đúng như nhan đề của tác
phẩm, mỗi đoạn, mỗi trang như một bản tin nhắn tìm đồng đội trên đài truyền
hình, với tên tuổi, địa chỉ, quê quán, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh, địa chỉ
người thân... cụ thể đến mức có thể căn cứ vào đó mà xác minh liệt sĩ. Mỗi
người có mỗi hoàn cảnh cuộc đời, hoàn cảnh hy sinh khác nhau. Những gì còn lại
sau khi ngã xuống cũng khác nhau, người được công nhận liệt sĩ, người không. Có
người được công nhận liệt sĩ nhưng bằng "Tổ quốc ghi công" không có
người nhận phải treo ở trụ sở chính quyền địa phương. Hóa ra sự chết cũng phong
phú không kém gì sự sống. Số lượng đông đảo hơn là "bản tin" tìm kiếm
của người thân, những người mẹ, người cha, người vợ, người cậu, dì, cô, chú
bác, anh, chị em và cả bạn bè đồng đội, những người còn lại sau chiến tranh,
đau đớn đến quặn lòng gọi tìm đồng đội. Cả một tập thơ dài là một nỗi đau triền
miên, là bản tổng kết về sự hy sinh mất mát của cả một thế hệ trong lịch sử dân
tộc. Ai bảo chết là hết đâu? Nó vĩnh cửu với người đã chết nhưng vẫn còn sống
mãi trong lòng của người đang sống. Do vậy, tập thơ không khỏi gây cảm xúc nặng
nề, bởi nó được viết ra bằng máu và nước mắt của một người trong cuộc. Dường
như anh không làm thơ, mà thể hiện tâm can của mình thành một lời tưởng niệm,
một món nợ với những người đã khuất, mà người còn sống như anh phải trả, phải
nhắc cho mọi người phải khắc ghi. Có thể nói, chưa có tác phẩm thơ nào trình
bày một cách cụ thể và đông đảo nhiều trường hợp hy sinh như tác phẩm của Trần
Vàng Sao. Đọc anh, càng suy ngẫm, càng thấm thía và quý trọng cái giá trị của cuộc
sống độc lập, tự do hiện nay mà chúng ta đang có.
3. Một quan niệm nghệ thuật
đòi hỏi phải thể hiện bằng một thi pháp tương ứng. Thơ Trần Vàng Sao thể hiện
một quan niệm về đất nước và nhân dân đã đi qua một cuộc chiến tranh với tất cả
sự dữ dội, tàn khốc, trần trụi đến mức tàn nhẫn với bao nhiêu người đã chôn vùi
sự sống và tuổi thanh xuân của mình trong đó, nhưng không phải để bi quan mà
luôn có cái nhìn ấm áp ở tương lai. Đặc điểm nổi bật trong cấu trúc thơ anh là
vào cuối bài thường dùng những câu đồng cảm "vật ngã tương giao" với
thiên nhiên, với thời tiết để soi rọi niềm tin vào sức sống của con người. Khi
thì anh tiên đoán "đến chiều trời sẽ mưa dông rất mát" (bài "Tôi
được ăn thịt"), khi thì buồn lòng "trời vẫn không mưa cho được
mát" (bài "Khoảng trống ngoài sân khấu"), hoặc "trời mưa
hoài không tạnh" (bài "Sự tích hòn bi của tôi"). Đặc điểm này
lặp đi lặp lại ở nhiều bài thơ của anh (các bài "Nhớ Ức Trai",
"Đưa vợ đi đẻ", "Buổi trưa giữa đường tôi núp mưa",
"Lục bát"…). Ngay cả bài "Hai mươi mốt muôn năm", in cuối
bài thơ dài "Gọi tìm xác đồng đội" như một lời vĩ thanh, cuối bài
anh tả: "đêm mưa không hết/ có tiếng chẻ củi ở nhà bên cạnh",
hoặc ngay trong bài "Gọi tìm xác đồng đội", bên cạnh những dòng tin nhắn,
những cái chết không toàn thây, không tìm thấy xác, anh vẫn dừng lại với bức
tranh lãng mạn về những buổi sớm mai:
những buổi sớm mai
những buổi sớm mai thơm mùi lúa
tôi đi qua những cánh đồng đất mới cuốc lật
hai bên đường bông cỏ vừa nở
chim hót trong gió mát
và sương cũng mờ trong cây bên kia đường
em làm gì mà ngơ ngác như không thấy tôi
những buổi sớm mai
như thơ tôi
sớm mai
mặt trời mọc
như thơ tôi ở với trời đất ở với anh em bạn bè tôi người sống người chết
thơ tôi là đời tôi là tôi đây
những buổi sớm mai thơm mùi lúa
tôi đi qua những cánh đồng đất mới cuốc lật
hai bên đường bông cỏ vừa nở
chim hót trong gió mát
và sương cũng mờ trong cây bên kia đường
em làm gì mà ngơ ngác như không thấy tôi
những buổi sớm mai
như thơ tôi
sớm mai
mặt trời mọc
như thơ tôi ở với trời đất ở với anh em bạn bè tôi người sống người chết
thơ tôi là đời tôi là tôi đây
Tuổi Tân Tị (1941) của anh
nhiều người thành đạt, có đến gần ba mươi tác giả cùng tuổi với anh hanh thông
trong cuộc đời và sự nghiệp. Riêng anh, cuộc đời và thơ dường như không mấy
suôn sẻ. Nó như câu thơ của anh lúc nào cũng "trục trặc", không vần
không điệu, không trau chuốt về câu chữ, câu dài câu ngắn (có câu chỉ một từ,
có câu dài đến mấy chục từ, đọc muốn hụt hơi). Giọng điệu thơ anh như được
truyền trực tiếp từ đời sống. Anh viết giản đơn như nói. Nhưng điều quan trọng
hơn, trong màu xanh của cây lá, của sự sống, anh không chỉ nhìn thấy màu sắc,
hình vóc mà còn nhận ra được cả những đường gân lá, để hình dung ra diện mạo
một đất nước của riêng anh, đất nước của những người lao khổ/ những người ngã
xuống trong chiến tranh.
Tôi yêu quý con người và
thơ ca của anh, cuối bài viết nhỏ này, tôi xin thưa với anh một điều rằng:
Trong cuộc hành thân đi qua cuộc đời, mỗi người có một lối sống, có một giọng
nói, cũng như mỗi thi sĩ có một giọng điệu thơ ca. Anh đã ở vào tuổi xưa nay
hiếm, hãy cố giữ những gì mà xưa nay anh có, nhất quán như bản chất thi sĩ của
anh mà anh vẫn tự hào và tự hứa: "bây giờ cho tới cuối đời/ thì tôi vẫn cứ
như tôi thế này" (Lục bát). Cuộc sống bao giờ cũng đầy rẫy những nhũng
nhiễu, eo sèo, nên tôi biết cũng có khi anh nản lòng, nhụt chí, thậm chí hằn
học, bực bõ. Sự bực bội, nản lòng có đôi chân rất ngắn nhưng đi mãi nó cũng đến
sai lầm, dễ làm cho người khác lợi dụng, cả người tốt lẫn người xấu. Công chúng
rất tinh tường. Họ luôn đứng về phía anh. Cũng chính vì họ mà lâu nay anh cầm bút.
PHẠM PHÚ PHONG
VNCA
No comments:
Post a Comment