.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, January 25, 2013

NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG VÀ NGUYÊN MẪU NHÂN VẬT “ÂM THẦM MỘT CHỊ QUA THỜI TRẺ TRUNG”

Chị dâu tôi tên là Nguyễn Thị Liên, ở cùng xóm của làng Đông Bích bên chân núi Quỳ Sơn của xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Chị Liên là vợ anh Vương Đình Trâm của tôi. Quê tôi nghèo, nhà tôi lại càng nghèo vì anh trai tôi ( chồng chị Liên ) thoát ly để nuôi ba đứa em trai ăn học, trong khi mẹ tôi luôn đau yếu. Về làm dâu, chị Liên không chỉ hứng chịu cảnh nghèo, mà còn tìm cách cứu vãn làm sao cho khỏi đứt bữa, nhưng nhiều khi chị cũng bất lực, nhất là vào mùa giáp hạt. Hình ảnh trời chiều mưa, chị cắp chiếc ra đi tắt ngang vườn để đi về nhà mẹ đẻ xem có tìm kiếm thứ gì ăn được để đem về nhà chồng lắng đọng mãi trong tâm trí tôi hơn nửa thế kỷ nay. Chị đi tắt ngang vườn không phải để cho nhanh vì hai nhà khá gần nhau, mà cái chính để tránh gặp người làng.

Chúng tôi nhìn theo dáng chị và chờ đợi, chẳng em nào dám mơ tới việc chị trở về với rá gạo, vì trong những ngày tháng ấy, ước mơ gạo là quá xa vời. Lần thì ngô, lần thì khoai hoặc rau…và không thiếu lần chị trở về với chiếc rá úp bên người giống như khi chị ra đi. Thời tôi học phổ thông, không năm nào không đói, hình ảnh người chị tất bật ngược xuôi vì bữa ăn của gia đình tôi đã trở nên quá quen thuộc.
Trong bài thơ Chị dâu, tôi có viết về hình ảnh của chị: “Áo cánh nâu, quần lụa đen / Cặp ba lá, đường ngôi nghiêng mái đầu” là hình ảnh trong đám cưới, hôm chị về nhà tôi, chứ hàng ngày trong cuộc mưu sinh, áo cũ chẳng còn rõ màu nâu và quần đen bợt bạt chả mấy khi là lụa. Trong những năm tháng ấy, chị làm lụng quần quật không một lời kêu ca hoặc trách cứ em chồng. Nhiều khi tôi tự đặt câu hỏi: tại sao đói khổ đến thế mà ba anh em tôi không một ai chịu bỏ học, và nếu chị dâu tôi không phải là chị Liên, mà là một người đàn bà khác thì chúng tôi có thể học hành đến nơi, đến chốn được không?
Năm 1986, sau chuyến đi công tác ở Trung Lào, tôi có ghé về thăm quê, thăm chị. Trước ngày tôi trở lại Hà Nội, chị thức dậy thật sớm, không chỉ lo bữa sáng cho tôi, mà còn gói sẵn một mo cơm nếp nấu với lạc cho tôi ăn đường. Ở quê tôi thường tiễn người ra đi bằng mo cơm nếp như trong bài thơ Thăm lúa, Trần Hữu Thung từng viết: “ Cái xắc mây anh mang/ Em nách mo cơm nếp”. Chị dâu tôi không quen tiễn, chị nhét mo cơm nếp vào túi tôi và nói: “ Chú đi nha” rồi đứng lặng nhìn tôi khuất dần theo ngõ nhỏ.Hình ảnh chị găm mãi trong lòng tôi. Và, tôi thấy mình phải viết một điều gì đó về người chị dâu hết mực yêu thương. Viết để lưu giữ kỷ niệm? Đúng! Nhưng không chỉ là ghi kỷ niệm. Người Việt Nam khi làm ơn không mấy ai nghĩ đến chuyện trả ơn, nhưng sự vô ơn thì ai cũng sợ. Nghĩ vậy, tôi viết bài thơ để ghi ơn người chị dâu của mình.

Tranh minh họa của họa sĩ TÔ CHIÊM

CHỊ  DÂU


Kính tặng chị Liên


Lớn lên cách mấy bờ rào
Một ngày vui, chị bước vào nhà em
áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá, đường ngôi nghiêng mái đầu

Nhà chồng, chồng ở nhà đâu
Em chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiều
Làm dâu gặp phải cảnh nghèo
Đôi bàn tay chị chống chèo lo toan

Quê mình cái nắng chang chang
Trận mưa tháng tám lụt sang tháng mười
Khi mưa dầm, lúc nắng phơi
Âm thầm một chị qua thời trẻ trung

Bữa cơm em út quây vòng
Đầu nồi, đơm xới tay không kịp rời
Nhớ ngày giáp hạt chị ơi
Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau

Nghĩ mà thương lắm chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường
Em ngồi đôi mắt nhoà sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về!

Em vào đại học xa quê
Đi biền biệt những mùa hè chiến tranh
Rồi yêu, rồi lập gia đình
Quê nhà tình chị giữ dành không vơi
Dù thư không viết một lời
Em về, chị vẫn là người chị xưa
Bàn chân bấm ngón đường mưa
Bữa ăn thêm quả trứng mua xóm giềng…

Tóc giờ sợi bạc đã chen
Con đầu sinh cháu chị lên bậc bà
Em về, em lại đi xa
Canh tư chị thức bếp nhà lửa nhen
Tiễn đưa, chân chị không quen
Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu

Ngoái nhìn núi dựng phía sau
Em tìm dáng chị cuối màu trời xanh.


1986
Nguồn: VNQĐ

No comments:

Post a Comment