.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, January 29, 2013

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VN 2012: CHỜ ĐỢI SỰ MỚI MẺ

Như tin đã đưa, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố các tác phẩm văn học đoạt giải năm 2012. Gạt bỏ đi những điều tiếng vốn chẳng lạ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, vậy chất lượng các tác phẩm được vinh danh năm nay có thực sự xứng đáng?

1. Nếu cần một nhận xét chung, có thể thấy rằng các tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay là hoàn toàn xứng đáng, đều là những tác phẩm đáng chú ý nhất trong năm qua.
Ở hạng mục văn xuôi, tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” (NXB Trẻ) đánh dấu sự trở lại của nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, và sự trở lại này thật sự ấn tượng. Đây là tác phẩm đáng chú ý về nghệ thuật xây dựng truyện ngắn. Bên cạnh những truyện ngắn theo hình thức cổ điển là phép cộng của một chuỗi tình tiết na ná tiểu thuyết, thể hiện tham vọng của nhà văn muốn thâu tóm càng nhiều chất liệu hiện thực, càng muốn đưa ra nhiều tầng nghĩa trong một dung lượng hạn chế. Nguyễn Thị Thu Huệ còn viết những truyện ngắn hiện đại không hề có biến cố nhưng sức gợi và độ mở là đáng kể. Kiểu truyện ngắn này không nhiều nhà văn ở Việt Nam có thể viết thuần thục vì đòi sự tập trung, dồn nén, soi chiếu của các tình tiết trong truyện ngắn.
Cũng ấn tượng với sự mới mẻ là tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (NXB Trẻ) của nhà văn Y Ban. Ai cũng biết, tiểu thuyết muốn “sống” được cần phải dựa trên một hình thức tương thích với chất liệu mà tiểu thuyết sử dụng. Về cơ bản, hình thức thư từ được Y Ban chọn là phù hợp nhưng giọng điệu và các tình tiết vẫn chưa thực sự mới hơn so với các tập truyện ngắn “I am đàn bà” (NXB Công an nhân dân, 2006). Nhưng suy cho cùng, “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” là bước tiến mới của riêng Y Ban trong quá trình thể nghiệm tiểu thuyết.
Giải thưởng năm nay, thơ “bội thu” khi có tới ba tác phẩm được trao giải và hai tập thơ được bằng khen. Về cơ bản, các tập thơ này đều viết theo thi pháp cổ điển, không có những cách tân về hình thức như các tập thơ đình đám vài năm trước như: “Lô lô” (NXB Hội Nhà văn, 2005) của Ly Hoàng Ly hay “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007) của Từ Huy... Song, các tập thơ đều ẩn chứa chất suy tư, triết luận như: Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở (Bài thơ “Tiếng thì thầm” trong tập “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng), Sự nhạt thường hay có thú vui hàng xén/ bán lẻ một cái nhìn/ mặc cả một ngày mai ảo ảnh (Bài thơ “Tốc ký về sự nhạt” trong tập “Màu tự do của đất” của Trần Quang Quý)... 
Đáng chú ý là trường ca “Trường ca chân đất” (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Thanh Thảo. Ông vẫn chứng tỏ tài năng của mình ở thể loại sở trường bắt đầu từ trường ca “Những người đi tới biển” (NXB Quân đội nhân dân, 1977). “Trường ca chân đất” không chỉ có cấu trúc chặt chẽ mà điểm ấn tượng của trường ca này là tính tư tưởng sâu sắc khi viết về nhân dân nói chung- đó là những con người vô danh làm nên lịch sử và giữ gìn hình hài Tổ quốc vẹn nguyên. Bên cạnh những câu thơ cả giọng, vẫn xuất hiện những câu thơ trữ tình đáng nhớ: Bùn ruộng là tôi/ thuở mẹ cho con bú/ bầu vú thoảng mùi gốc rạ”.
Nếu giải thưởng hằng năm có nhiệm vụ vinh danh các tác phẩm đáng chú ý trong một năm thì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chí ít ở hạng mục văn xuôi và thơ.
2. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 còn đôi chút gây băn khoăn cho dư luận ở việc không trao bất cứ giải thưởng hay bằng khen nào cho hạng mục dịch thuật. 
Chưa bao giờ như bây giờ, dịch thuật văn học lại bùng nổ khi các đầu sách dịch áp đảo trên thị trường, với sự góp mặt của các tác giả kinh điển cho đến các nhà văn ít tên tuổi. Lẽ ra, cái khó của giải thưởng là băn khoăn lựa chọn một vài giữa vô vàn dịch phẩm để trao giải chứ không phải bỏ trống! Có thể đơn cử hai ứng cử viên nặng ký cho hạng mục dịch thuật để trao giải là tiểu thuyết “Hiệp sĩ không hiện hữu” (NXB Văn học và Nhã Nam) của nhà văn I-ta-li-a I-ta-lô Ca-vi-nô do Vũ Ngọc Thăng dịch và bộ tiểu thuyết “Nông dân” (NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây) của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel 1924 Va-đi-xlát Rây-môn do Nguyễn Văn Thái dịch. Hai tác phẩm được dịch đều là những kiệt tác của văn chương thế giới và đều được viết bằng những “ngoại ngữ hiếm” mà ở Việt Nam rất ít người có thể dịch được. Thêm vào đó, cả hai dịch giả đều nhiều năm sống ở bản xứ, vì thế họ không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn am tường văn hóa nước sở tại nên dịch sẽ có lợi thế hơn các dịch giả khác. 
Còn nhớ vào ngày 10.8.2012, Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay” để bàn về những vấn đề “bếp núc” dịch thuật đang “nóng” ở thời điểm đó và định hướng những việc phải làm để dịch văn học phát triển. Thôi thì những việc vĩ mô cần kinh phí và thời gian để thực hiện, nhưng những việc nhỏ ở trong tầm tay của Hội như việc trao giải cho dịch thuật là cần thiết, tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Ai cũng biết không dịch giả nào sống bằng nghề mà dịch là một thú vui. Việc trao giải thưởng cho các tác phẩm dịch đích đáng không chỉ nâng cao vị thế của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn động viên công việc thầm lặng của các dịch giả.
Riêng về hạng mục lý luận- phê bình văn học, việc trao giải cho tập tiểu luận phê bình “Đa cực và điểm đến” (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Văn Chinh, chứng tỏ việc hướng đến vinh danh một tác phẩm khá hiền lành. Đành rằng, cuốn sách không hề tồi nếu xét theo tiêu chí là cuốn sách phê bình văn học theo phương pháp phê bình ấn tượng của nghệ sĩ. Trong vai trò người trong nghề và quen biết nhiều nhà văn, Văn Chinh không chỉ giỏi ở việc nắm bắt các chi tiết trong đời sống và viết lách của các nhà văn mà ông còn có khả năng nhận xét tác phẩm sắc sảo, kể cả những tác phẩm viết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Tuy nhiên, lối phê bình của Văn Chinh không phải quá hiếm người đã làm được như Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” (NXB Thanh niên, 1998) và trong tương lai chắc chắn sẽ có nhà văn khác thực hiện cuốn sách tương tự như “Đa cực và điểm đến”.
Trong nhiều tiêu chí của một giải thưởng văn học thường có việc trao giải cho những tác phẩm có dấu hiệu đổi mới. Nhiều năm qua, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về cơ bản đều đi theo hướng lựa chọn an toàn khi trao giải cho những tác phẩm có lối viết cũ khiến tầm ảnh hưởng của giải thưởng không lan rộng. Thẩm định và trao giải cho những tác phẩm cách tân và lành mạnh thực sự là điều người đọc chờ đợi ở sự mới mẻ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam những lần sau.
TRẦN HOÀNG HOÀNG
QĐND

No comments:

Post a Comment