.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, January 28, 2013

PHẠM QUANG TRUNG: “LÀ MỘT HỘI VIÊN, TÔI CHẲNG THẤY THÍCH THÚ GÌ KHI ĐỌC CÁC BÀI VIẾT KHÁC NHAU BÀN VỀ GIẢI THƯỞNG THƯỜNG NIÊN NĂM NAY CỦA HỘI NHÀ VĂN VN”

Những người đi tìm Chân lý thực sự sẽ không chấp nhận hình thức đấu tranh. Họ không bao giờ mong muốn chiến thắng vinh quang phải thuộc về họ, chứ không thuộc về người khác. Trong Chân lý, con người gặp nhau và trở thành một. Không có người chiến thắng, không có kẻ thất bại. Trong Chân lý, không có một ai bị đánh ngã. Trong Chân lý, Chân lý là người thắng và chúng ta là người thua cuộc, mất mát. Mất cái gì? Thua cái gì? Mất cái "tự ngã nhỏ hẹp, ích kỷ, mê mờ". Thua sự "Thương Yêu Chân Thật".
Nhưng nếu trong cuộc tranh luận, tôi là tôi, anh là anh, không có một nhịp cầu thông cảm bắc ngang thì làm sao bạn có thể hiểu biết và thương yêu người khác khi bạn đang chống đối họ? "Hiểu Biết" và "Thương Yêu" cần có sự đồng cảm, cần sự chia sẻ với nhau. Hiểu Biết có nghĩa là chịu lắng nghe người khác, tôn trọng ý kiến của họ, và chỉ khi nào bạn lắng nghe tư tưởng người khác, bạn sẽ nghe được âm thanh của gió, của chim, của vạn vật vũ trụ. Vì thế, khi bạn đang bàn thảo một vấn đề gì, đang lý luận một vấn đề gì, bạn thực sự không có khả năng lắng nghe người khác, bạn chỉ giả vờ nghe nhưng thực ra không thể nghe trọn vẹn những gì người khác nói. Vì sao? Vì lúc đó, đầu óc bạn đang quay cuồng làm việc để đấu trả lại người khác, khi kẻ đó ngưng nói là bạn nhẩy tới tấn công ngay. Bạn đã chuẩn bị và sẵn sàng ăn miếng trả miếng với họ. 
KHI ĐỜI SỐNG VĂN CHƯƠNG QUÁ NÁO ĐỘNG, ỒN Ã…
THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN KHÔI VŨ
Nhà văn Khôi Vũ thân mến!
Là một hội viên, tôi chẳng thấy thích thú gì khi đọc các bài viết khác nhau bàn về Giải thưởng thường niên năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Khen, biện minh hay chê, phản bác đều thế! Cứ như một cái dớp, năm nào cũng có chuyện… Anh có thể nhắc nhở tôi: “Hãy lên tiếng đi chứ! Anh là người quan tâm tới công việc của Hội lắm kia mà!”. Thật khó trả lời quá! Như nhiều bạn văn quan tâm đến tôi gần đây cứ có dịp gặp nhau là lại cật vấn: “Sao dạo này ít thấy anh xuất hiện trong những cuộc tranh luận văn chương, văn học thế?”. Biết giải thích thế nào đây? Chỉ đành im lặng hoặc cười trừ. Đành xin kể một câu chuyện Thiền cùng lời bàn thâm thuý của Osho (1931 - 1990) để mọi người cùng suy gẫm.
Theo truyền thống Thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng sĩ đi vân du khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào, đều phải thắng trong cuộc tranh luận tay đôi với vị sư thường trụ ở đó. Nếu không thắng được, vị du tăng đó phải đi, không được phép ở lại, dù chỉ một đêm. Câu chuyện xảy ra tại một ngôi cổ tự phía bắc Nhật Bản. Trụ trì ngôi chùa đó là hai anh em một nhà sư. Người anh rất thông thái, biện luận vô cùng thiện xảo, còn người em lại ngớ ngẩn, lù khù và lại còn chột một mắt. Một đêm nọ, có một vị du tăng đi ngang qua, muốn xin vào nghỉ tạm qua đêm. Nhà sư anh, quá mệt mỏi vì đã học hành suốt ngày, nên sai nhà sư em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng theo truyền thống. Trước khi nhà sư em đi ra ngoài, sư anh dặn dò: "Này, đệ phải tranh luận trong im lặng đó nhé. Đừng có nói, kẻo đấu không lại người ta đâu" - "Huynh yên tâm đi, để đó cho em!". 
Một thời gian ngắn trôi qua, vị du tăng xin gặp nhà sư anh, vái chào và xin phép ra đi. Ông ta đã bị khuất phục và hết sức tán thán tài hùng biện của nhà sư em. Nhà sư anh nói: "Trước khi đi, xin ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận thế nào?" - "Rất tuyệt! - Vị du tăng trả lời - Này nhé, trước hết tôi giơ một ngón tay lên ý tượng trưng cho Đức Phật. Sư đệ của ngài đưa hai ngón tay lên có nghĩa là Đức Phật và Phật pháp. Tôi lại đưa ba ngón tay lên có ý nói Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Sư đệ thông minh của ngài đưa nắm tay lên dứ vào mặt tôi có ý nói là cả ba (Tam Bảo) đều qui về một. Một là tất cả, tất cả là một. Tuyệt, tuyệt, sâu xa, sâu xa, Đại Thừa, lý rốt ráo của Đại Thừa đấy. Tôi cam lòng bái phục". Vị du tăng ra đi, rất hài lòng như đã học được một điều gì tuyệt diệu. 
Lát sau, nhà sư em vào gặp anh, dáng điệu còn mang vẻ vô cùng bực bội. Sư anh nói: "Ta biết là đệ đã thắng cuộc tranh luận này!" - "Thắng cái gì, cái tên du tăng đó thật là thô lỗ hết sức, nếu đệ không nhớ lời sư huynh dặn là phải cố gắng nhẫn nại, nhã nhặn và lễ độ với khách thì em đã cho hắn một bài học đích đáng rồi!" - "Sao, đệ thuật lại cho ta nghe sự việc như thế nào?" - "Này nhé, khi hắn ta vừa thấy em, hắn liền đưa một ngón tay lên có ý chế diễu em chột hết một mắt; em cố dằn cơn giận, đưa hai ngón tay lên khen là hắn có phước, đầy đủ hai con mắt. Thế mà hắn lại có ý trêu ngươi em, đưa ba ngón tay lên, có ý nói là em và hắn ta, hai người nhưng chỉ có ba con mắt thôi. Em bực quá, dơ nắm tay đấm lên dứ vào mặt hắn có ý cho hắn biết là: "Này, vừa phải thôi nghen, lộn xộn là ăn đấm đó". Hắn chột dạ, có vẻ ngán nên vái chào rút lui trong trật tự. Tăng sĩ gì mà thô lỗ hết sức vậy!" Nhà sư anh trợn mắt, lắc đầu và ôm bụng lăn ra cười: "Ha ha ha! Ha ha ha!"
 Sau đây là lời bình của Osho:
Qua câu chuyện vui trên, ta thấy tất cả những cuộc tranh luận thực ra đều sai lệch, kệch cỡm, bởi vì không một ai có thể đạt tới chân lý qua tranh luận cả. Những vị tăng sĩ Nhật Bản tranh cãi nhau, hơn thua nhau chỉ để khoa trương tự ngã và cái giải thắng là "ngủ trọ qua đêm". Chỉ có một đêm ngủ trọ thôi mà người ta hăng hái, hùng hổ tranh chấp với nhau. Nhưng đó là truyền thống và người ta nhắm mắt tuân theo. Hàng ngàn năm qua, tại bất cứ một Thiền viện Nhật nào, nếu bạn muốn ngủ trọ qua đêm, bạn phải thắng cuộc - và sau đêm đó, sáng mai, bạn lại khăn gói ra đi - nhưng nhiều người đã tự lừa dối mình rằng đã đạt tới chân lý, giác ngộ qua cuộc tranh luận. Họ lấy sự hơn thua trong cuộc tranh luận đó làm cái mốc đo tri thức và mức độ tu tập của họ. Không, hoàn toàn không. Chân lý làm sao hiển hiện ra khi đầu óc bạn chứa đầy tư tưởng phải đánh gục đối phương, phải thắng cuộc tranh luận để chứng tỏ sở trường sở đắc của mình. Một khi bạn tìm cách làm sao để thắng đối phương, bạn đã là một kẻ bạo lực, dù là bạo lực tư tưởng. Tranh luận là bạo lực. Bạn có thể giết hoặc bị giết qua phương cách đó, bạn không thể sống còn, và sự thực cũng bị giết chết qua phương cách đó. Quả thực, bạn không đi tìm sự thật, bạn đi tìm chiến thắng dưới bất cứ hình thức nào. Khi chiến thắng là mục đích, Chân lý phải hy sinh. Khi Chân lý là mục đích, chiến thắng hay vinh quang phải dẹp bỏ - và Chân lý phải là mục đích, không phải là chiến thắng bởi vì nếu chiến thắng là mục đích thì bạn là một chính trị gia rồi, không phải là một người tôn giáo. Bạn là một kẻ bạo hành, đang tìm cách thống trị đàn áp người khác. Bạn cũng chẳng khác gì những kẻ đi gieo rắc chiến tranh: một là ta chết, hai là đối phương phải chết. Dù dưới dạng đấu tranh tư tưởng, thì cơ bản vẫn là tranh đấu. Chân lý không bao giờ trở thành một sự thống trị cả; Chân lý không bao giờ hủy diệt một cái gì. Chân lý đưa đến "Tình Thương, Xả Kỷ, Khiêm Tốn" chứ không đưa đến thất bại, vinh nhục hay bẽ bàng. 
Những người đi tìm Chân lý thực sự sẽ không chấp nhận hình thức đấu tranh. Họ không bao giờ mong muốn chiến thắng vinh quang phải thuộc về họ, chứ không thuộc về người khác. Trong Chân lý, con người gặp nhau và trở thành một. Không có người chiến thắng, không có kẻ thất bại. Trong Chân lý, không có một ai bị đánh ngã. Trong Chân lý, Chân lý là người thắng và chúng ta là người thua cuộc, mất mát. Mất cái gì? Thua cái gì? Mất cái "tự ngã nhỏ hẹp, ích kỷ, mê mờ". Thua sự "Thương Yêu Chân Thật". Nhưng nếu trong cuộc tranh luận, tôi là tôi, anh là anh, không có một nhịp cầu thông cảm bắc ngang thì làm sao bạn có thể hiểu biết và thương yêu người khác khi bạn đang chống đối họ? "Hiểu Biết" và "Thương Yêu" cần có sự đồng cảm, cần sự chia sẻ với nhau. Hiểu Biết có nghĩa là chịu lắng nghe người khác, tôn trọng ý kiến của họ, và chỉ khi nào bạn lắng nghe tư tưởng người khác, bạn sẽ nghe được âm thanh của gió, của chim, của vạn vật vũ trụ. Vì thế, khi bạn đang bàn thảo một vấn đề gì, đang lý luận một vấn đề gì, bạn thực sự không có khả năng lắng nghe người khác, bạn chỉ giả vờ nghe nhưng thực ra không thể nghe trọn vẹn những gì người khác nói. Vì sao? Vì lúc đó, đầu óc bạn đang quay cuồng làm việc để đấu trả lại người khác, khi kẻ đó ngưng nói là bạn nhẩy tới tấn công ngay. Bạn đã chuẩn bị và sẵn sàng ăn miếng trả miếng với họ. 
Đúng vậy, bất cứ một cuộc tranh luận nào cũng không bao giờ mang lại một sự thông cảm đoàn kết. Càng tranh cãi, bạn càng đi xa dần Chân lý. Bạn đã bị chia cắt làm đôi. Đó là lý do mà các triết gia, các luận sư không thể nào đạt tới Chân lý hoàn toàn. Họ chỉ chạm tới những mạnh vỏ rời rạc của Chân lý. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã đi du thuyết khắp nơi, nhưng tất cả những người trọn vẹn đi theo Chúa lại là những người rất bình thường, tầm thường, không có đến một người trí thức, không có đến một người học giả nào. Không phải vì thời đó không có các nhà bác học trí thức, mà chỉ vì các vị học giả lừng danh thời đó không chấp nhận đường lối giáo hóa của Chúa. Họ phản ứng dữ dội, họ muốn giết Chúa. Vì sao? Vì Chúa rao giảng Tình Thương, rao giảng Hòa Bình. Chúa nói về Đức Tin trong sáng, về Tình Yêu Nhân Loại; Chúa dạy con người làm cách nào nối kết hai trái tim lại với nhau để chung sống hạnh phúc. Những gì Chúa rao giảng đã đi ngược lại truyền thống xã hội thời đó.
Các nhà học giả cảm thấy khó chịu bất mãn, vì sao? Vì họ quen sống trong đấu tranh, trong tư tưởng thắng bại, trong hào quang hãnh diện phỉnh phờ lường gạt tâm thức họ. Tự ái bản ngã được vuốt ve mỗi khi họ tranh luận và thắng đối phương. Vì thế, không làm sao họ chấp nhận được những lời giảng của Chúa. Để bảo vệ "cái tôi" của họ, những kẻ học thức đó đã liên kết tìm cách giết Chúa - và họ đã tìm được kẻ phản bội, Judas. Những môn đồ của Chúa đều là những người bình thường; họ là những người thợ làm giầy, thợ săn, câu cá, đốn củi, cô thợ may, chị làm bếp, v.v... Chỉ có Judas là kẻ có học, một kẻ thông minh. Và kẻ thông minh học thức đó đã phản bội, đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng bạc. Chúa biết là nếu có phản đồ thì chỉ có Judas, vì sao? Vì trái tim chỉ có thể bị phản bội bởi đầu óc. Chỉ có Lý Trí phản bội Tình Thương mà thôi. 
Đó là điểm thứ hai tôi muốn nói với bạn, muốn nhắc cho bạn nhớ trước khi tôi đi vào câu truyện là qua bức màn lô gích, qua mạng lưới tri thức, qua tranh luận, bạn đã trở thành một kẻ xa lạ với mọi người; nhịp cầu thông cảm giữa con người và con người đã gẫy. Làm sao bạn có thể đạt tới Chân lý khi bạn không thể hiểu người khác, khi đầu óc bạn chứa đầy tư tưởng đấu tranh, bạo lực? Chính cái tư tưởng bạo hành đó đã hại bạn rồi vậy. 
Vì thế những cuộc tranh luận đều phù phiếm; chúng không hướng dẫn bạn đi về đâu cả. Ngay cả khi bạn đã thắng và kết thúc cuộc tranh biện thì kết quả thắng cuộc đó cũng chỉ là gượng ép mà thôi. Bạn có thể bịt miệng người khác, làm cho đối phương im tiếng, không thể tranh cãi gì được thêm nửa ngày hôm nay, nhưng chưa chắc kẻ đó đã chịu thua, chịu khuất phục hoàn toàn. Trong thâm tâm, hắn ta sẽ nghĩ thầm rằng: "Ngày hôm nay ta tạm thua ngươi, nhưng một ngày nào đó, ta sẽ đánh bại ngươi". Hắn bị đánh bại ngày hôm nay nhưng không phải là sẽ bị thua mãi mãi. Tuy nhiên, có hai việc khác nhau là nếu bạn thắng đối phương bằng trái tim thì người đó sẽ chịu thua trong hoan hỷ, an lạc và cảm phục (nên nhớ "cảm phục" khác nghĩa với "khuất phục"). Người đó hoan hỷ trong vinh quang của bạn; người đó chia sẻ với bạn sự hãnh diện sung sướng; vì đó không phải là chiến thắng trong tranh đấu, không phải bạn chiến thắng ai mà Chân lý thắng; cả hai chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đều cùng san sẻ khúc khải hoàn ca Chân lý. Không có người thắng kẻ bại. Biên giới đã xóa mất, nhịp cầu đã bắc ngang, bạn và tôi tuy hai mà một, tuy một mà hai. 
Vì thế, một vị đạo sư, không bao giờ tranh biện với ai cả. Nếu thỉnh thoảng, vị đạo sư ấy tỏ vẻ như tranh luận với bạn, thì chớ tưởng lầm nhé! - Ông ta chẳng qua chỉ là đang chơi chữ với bạn đó thôi! Ông ta đang thử bạn đó. Nếu bạn nóng mặt, phản ứng liền, sợ bị thua thì bạn tự biến mình thành nạn nhân của trò chơi chữ của ông ta rồi vậy. 
Có nhiều vị thiền sư tỏ ra thích biện luận. Rất khó mà đánh bại được họ, cũng không thể chơi chữ lại họ - nhưng thực ra, các vị thiền sư đó chỉ mượn trò chơi chữ đó để giúp bạn hâm nóng lại tâm thức, giúp bạn tỉnh cơn mê, giúp bạn rút chân ra khỏi vùng lầy chữ nghĩa. Junnaid, một người Sufi, một thời học đạo với sư phụ, và vị thầy đó rất ư là kỳ quặc, chuyên môn nói ngược lại những gì người khác nói, thí dụ như bạn nói "ban ngày" thì ông ta nói "ban đêm", mặc dù trong lúc đó đang là ban ngày. Tuy nhiên, Junnaid không màng cải chính lại lời sư phụ. Junnaid chỉ giản dị, bình thản cúi đầu trả lời: "Dạ vâng, Sư phụ, đó là ban đêm". Một ngày kia, sư phụ Junnaid gọi Junnaid lại và bảo: "Này Junnaid, ngươi đã thắng. Ta không thể châm ngòi một cuộc tranh luận nào với ngươi. Đức tin của ngươi thật sâu chắc, không lay động, kiên cố. Và bây giờ, ta có thể bắt đầu thuyết giảng chân lý cho ngươi, vì ngươi đã sẵn sàng tiếp nhận". Một khi con tim nói lên tiếng nói chân thật của nó, bạn đã có đầy đủ khả năng lắng nghe và tiếp nhận Sự Thật Tuyệt đối. (Trích 10 mẩu chuyện Thiền cho đời sống... của Osho do Tỳ Khưu Ni TN Minh Tâm dịch).
Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiệu lần câu chuyện Thiền giàu hàm ẩn cùng những lời bình đặc biệt thâm trầm kể trên. Càng đọc càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấm thía với rất nhiều bài học nghề nghiệp có thể rút ra từ đó. Nhất là trong khi đời sống văn chương quá náo động, quá ồn ã như giữa lúc này…
Đà Lạt, 26/01/2013
PHẠM QUANG TRUNG
Nguồn: KV

1 comment:

  1. Ủa, mấy ông này đi tu từ hồi nào vậy? Ăn gian, nói dối, nịnh bợ, hại người bị bắt quả tang thì dở võ "thiền" ra, khôn quá vậy? Thiện tai! Thiện tai! Ngộ ngây thơ vô số tội!

    ReplyDelete