Viết văn tất nhiên phải dùng ngôn ngữ.
Ngôn ngữ muốn lưu loát trôi chảy hùng biện và duyên dáng thì phải cần đến Ngữ
pháp. Ngữ pháp là gì? Có một định nghĩa bất thành văn nhưng lại khởi nguyên và
căn bản bậc nhất là: Ngữ pháp là nói theo cách nói của người quí tộc.
Chẳng hạn trong tiếng Anh, nếu người ta nói “I will” thì không lịch sự bằng “I
would”. Tại sao? Không tại sao cả mà bởi người quí tộc nói thế. Giờ chúng ta
hãy thử phản biện câu này ngay lập tức. Nếu ngôn ngữ và ngữ pháp không nói theo
người quí tộc, chẳng lẽ lại nói theo thợ thuyền? nói theo kẻ chợ? Hay nói theo
nông dân quê mùa? Không! Chắc là người ta phải nói theo người quí tộc, vì đó là
những người học hành nhiều nhất, lâu đời nhất về giáo dục, lại biết trọng danh
dự hơn cả. Người ta thấy những người quí tộc ném găng thách đấu để bảo vệ danh
dự, chứ làm gì có chuyện hai người nông dân thách đấu, hoặc hai kẻ đầu đường
ném găng đòi danh dự?
Mới đây, trong bài “Thơ Thanh Thảo – Chuyên gia nước ốc trường ca, cỡ vạn người làm”, trong đó có câu: “Một nông dân có thể rất đẹp trên cánh đồng, nhưng chưa thể trở thành nhân vật của mỹ học cao cả được”.
Qua đó liền
có ý kiến cho rằng “tại sao nông dân lại không thể trở thành nhân vật của mỹ
học?” Đây không phải lần đầu, mà nhiều lần có nhiều ý kiến còn hàm ngụ, muốn
lôi kéo rằng: tại sao tôi lại muốn xúc phạm nông dân? Và đông đảo tầng lớp nông
dân chẳng lẽ lại chịu lép vế để tôi yên sao? Trước hết, tôi xin xác nhận, gia
đình tôi ghi trong lý lịch đời ông bà thuộc thành phần Bần cố nông. Thứ hai,
điều tôi nói ra là tri thức và học thuật căn bản của toàn thế giới. Hôm nay,
tôi xin bàn cụ thể.
-
Những tác phẩm kinh điển hay vĩ đại trên thế giới hầu như không có nông dân.
Trước hết là những trường ca bất hủ như Iliad, hay Odyssey bất hủ với các nhân
vật như vua chúa, rồi A-sin hay Hector, không phải là nông dân. Các trường ca
hiện đại khác như Thần khúc của Dante, Don juan của Byron, hay Faust của Goethe
đều không có bóng của nông nhân làm nhân vật chính. Các vở bi kịch nổi tiếng
của Shakespeare như Sê-da, Hăm-lét hay Mác-bét… như tên gọi và nội dung vở kịch
đều thể hiện khung cảnh của cung đình. Hầu hết các vở tuồng chèo của Việt Nam
cũng thường xoay quanh những tư tưởng và sinh hoạt của cung đình? Tại sao? Vì
cung đình mới là nơi tập trung cao độ quyền lực, sắc đẹp, tiền bạc, và tham
vọng… chính thế chúng mới đóng vai trò cao nhất cho các xung đột kịch tính của
mỹ học và văn học. Còn nông dân thì sao? Con trâu đi trước cái cày đi theo họ
đại diện được gì cho nhân vật mang tư tưởng?
-
Dân tộc nào cũng có văn hóa, nhưng văn hóa chỉ có thể tạo ra những sắc thái
khác biệt trong sinh hoạt mà không thể tạo ra những nhà văn lớn với những tác
phẩm lớn. Văn hóa thì mới chỉ là nông dân đất lề quê thói.
-
Chỉ có văn minh mới tạo ra những tác phẩm lớn cùng những tác giả vĩ đại, như
Iliad và Odyssey với Homer. Văn minh bắt buộc chỉ có khi số đông người tụ tập
lại với mật độ đông nơi thành thị. Chữ công dân bắt nguồn từ chữ Thị dân
(citizen – tức người thành phố) dù chỉ là số ít, chứ không phải bắt nguồn từ số
đông là nông dân?!
-
Người Việt có câu “Nhà giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, điều đó đã
nói lên rất nhiều.
-
Người Trung Quốc có câu “Hương nguyện đức chi tặc giã”, có nghĩa: nhà quê là
hại đức. Trong văn học Trung Quốc người ta thường xuyên mắng mỏ người như Trư
Bát Giới chẳng hạn “đồ quê mùa cục súc!” “đồ quê mùa thô lỗ!”
-
Chủ nghĩa Mác xác định: giai cấp nông dân với tư tưởng manh mún nhỏ bé, cục bộ,
vị kỷ, thiếu tổ chức và kỷ luật, vì thế không thể là những người lãnh đạo cách
mạng.
-
Tất cả thị trấn đều muốn trở thành thị xã! Tất cả thị xã đều muốn trở nên thành
phố! Tất cả các gia đình nông dân đều muốn cho con ăn học để có ngày thoát ly
khỏi vai quê mùa!
-
Triết gia Hegel cho rằng: mỹ học tỉnh lẻ kiểu buồn thương nhớ nhung sụt sùi
không bao giờ có thể đạt tới tầm vóc của tác phẩm lớn. Khổng Minh tuy xuất thân
từ chốn thôn dã nhưng ông không quê mùa vì ông đèn sách và tu dưỡng bản thân
mình.
…
Nhưng với
cách mạng vô sản, người nông dân ở Trung Quốc và Việt nam đã có một bước ngoặt
tôn vinh khác hẳn. Các giáo sư ở Trung Quốc còn phải về nông thôn học các nông
dân về nhân phẩm và đạo đức làm việc. Còn ở Việt nam, khi “trí – phú –địa – hào
đào tận gốc trốc tận rễ” đã dìm trí thức đến đáy và nâng nông dân lên rất cao.
Ngoài xã hội, việc nông thôn hóa thành thị được tăng tốc rất nhanh. Còn trong
các cơ quan hay xí nghiệp người ta đã nông dân hóa cán bộ phi mã. Xã hội ta chủ
yếu là tam nông, với hơn 80% nông dân, vì thế trong các cơ quan chủ yếu là
những cán bộ có thành phần tiểu nông. Khi họp, hay bình bầu, số đông này bao
giờ cũng chiếm ưu thế, và người ta phê bình tác phong, đi đứng của những người
có biểu hiện thành phố, gán cho nó cái tên là “tiểu tư sản”. Đô thị hóa là
hướng đi tất yếu của nền văn minh, nhưng vì có lực lượng tự nhiên, cậy số đông,
người ta đã lãng quên việc tinh chế con người theo hướng văn minh. Triết gia
Nietszche nói “Vẻ đẹp của một cá nhân và dân tộc phải vất vả lắm mới thủ đắc
được”, nghĩa là người ta phải tập luyện tinh chế mình rất nhiều để có sự
tinh tế trong văn hóa và ứng xử. Nhưng trái lại một số không nhỏ người Việt đã
cậy đông, ỷ mạnh, biểu quyết lấn lướt tất cả, nên đã quên đi việc đào luyện
tinh chế con người. Người ta cứ mặc định rằng “nông dân thật thà chất phác”. Đó
là mặc định không đúng! Chứng cớ rằng, khi người Việt ra nước ngoài, số con em
ở quê còn đua đòi hư hỏng nhanh hơn số con em thành thị. Tại sao? Vì một tí
lòng tốt khởi thủy đó không thể đứng vững trước dục vọng của nơi đô hội. Vậy
người quê có những tật xấu gì?
1-
Tiểu nông, tiểu trí và tiểu xảo. Nhà tư tưởng Rousseau nói : Trong triều đình
quân chủ đầy rẫy những mưu mẹo, nhưng trong quốc hội cộng hòa toàn những trí
thông minh.
Mưu mẹo là
gì? Là người ta ấp úng, quanh co, dùng mọi trí khôn chỉ để vòng qua một câu hỏi
hay để lảng tránh một vấn đề không có lợi. Trong khi đó trí thông minh gặp đâu
giải quyết đó một cách minh bạch đàng hoàng. Làm trí thức, nhà văn hay nhà thơ
mà anh mưu mẹo thì chỉ là cách đổi trí thông minh lấy cái khôn trốn việc ở dưới
bếp.
2-
Sống tùy tiện, hay trễ giờ và sai hẹn, vì thói quen nông nghiệp, tầm nhìn ngắn,
thiếu vĩ mô và chiến lược, bạ đâu hưá đấy, hứa xong không cần nhớ, nhớ rồi thì
cũng chẳng cần biết xin lỗi, như nhà văn Nguyễn Bá Dương nói về người Trung
quốc “họ gần như chẳng bao giờ xin lỗi cả”.
3-
Nhút nhát, vì thiếu hiểu biết nên nhút nhát. Khi nhút nhát thì thích kéo bè kéo
cánh, kéo đồng hương, kéo người đồng tình để tạo ra cơ số an toàn.
4-
Thiếu tầm nhìn nên thiếu cả lý tưởng và giá trị cao cả. Tại sao? Bởi vì tầm tri
thức thấp!
Muốn là nhà
văn lớn tất nhiên phải vượt qua tầm vĩ nhân tỉnh lẻ để đạt tới giá trị phổ quát
nhân loại. Những lo âu cơm áo gạo tiền, những nỗi buồn thiếu xung đột ở tầm cao
cụ thể là công lý , tự do hay bác ái, mới có tí ti chất phác quê mùa chưa hề
gặp thử thách thì không thể tạo ra cấu trúc lớn cho tác phẩm vượt trần được.
Mong rằng các nhà văn nào muốn trở thành vĩ đại thì phải vượt qua chân đất
không có dự phóng, vượt qua tầm mái rơm đống rạ, bờ tre ao chuôm để nhắm đến
nhân vật có khả năng cật vất những vấn nạn hắc búa của cuộc đời. Nhân vật đó chắc
chắn lão nông chi điền không thể nào giải quyết được. Và nếu nhà văn còn ở tầm
đống rơm không dám đưa mắt ra xa nhìn nhân loại phổ quát mà chỉ lo co cụm cấu
kết cục bộ “đồng đội” liệu có sản sinh ra thứ nhân vật nào khác ngoài lão nông?
Hoặc cả mấy trăm trường ca còn không thể nào hạ sinh nhân vật? Xã hội nào cũng
cần văn minh và tiến bộ, muốn thế nó phải cầu thị, chớ nên thấy có ai dám nhìn
thấy tật xấu của mình mà kéo bè kéo cánh đòi thanh trừng như muốn đấu tố thời
cải cách ruộng đất. Nếu còn nhiều người giữ tư tưởng lạc hậu kiểu nông nghiệp
đó, xã hội Việt Nam vẫn phải chìm trong lạc hậu mà thôi.
29/01/2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
No comments:
Post a Comment