.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, January 24, 2013

SINH QUYỂN TỒN TẠI MỚI CỦA THẾ HỆ NHÀ VĂN TRẺ VIẾT TRÊN MƯỜI ĐẦU NGÓN TAY: MÊ CUNG, NHỮNG CON QUÁI VẬT MINOTAUR VÀ KHO BÁU CỦA BỐN MƯƠI TÊN CƯỚP

“Một media mới xuất hiện trong lòng một nền văn hóa nào đó có tác động là biến đổi điều kiện tiếp nhận bằng giác quan, vốn có sẵn trong lòng nền văn hóa kia. Do đó, các media là những ẩn dụ (metaphores)…”.
                                                    (Mc Luhan)
...Nhưng rồi chàng anh hùng Theseus cũng giết được nghiệt chủng ấy và tìm được lối ra cho mình giữa mê cung...  
1. Giả Bảo Ngọc và Chân Bảo Ngọc

Chúng tôi xem trên văn đàn hiện nay có hai “chủng” nhà văn trẻ, tiêu chí phân biệt họ không phải bằng độ tuổi, mà bằng phương thức họ xác lập sự viết của mình dựa trên nền tảng nào: giấy in truyền thống hay màn hình máy tính. Tuy nhiên, có một thực tế là, hầu như những nhà văn trẻ “thuần chủng” đương đại ít nhiều phải/đang được “mạng hóa”, hoặc ít nhiều giới thiệu những sáng tác của mình trên nền tảng mạng, cho dù đó là hoạt động có ý thức tự thân hay được một cá nhân, cộng đồng, thiết chế nào đó hỗ trợ. Đó là một trạng huống mà ngay từ những năm 1979 của thế kỷ XX, Jean F.Lyotard đã từng “báo cáo” trongĐiều kiện hậu hiện đại (Nxb Tri thức, năm 2008) rằng: “Trong sự biến đổi chung này (biến đổi theo hướng tin học hóa - PTA), bản tính của tri thức không thể nào còn vẹn nguyên được. Nó chỉ có thể chuyển qua các kênh mới và vận hành được khi kiến thức có thể được dịch ra thành các khối lượng thông tin (được tính bằng đơn vị bit - PTA). Từ đây có thể rút ra một điều dự đoán là tất cả những gì trong tri thức đã có mà không thể dịch ra bằng cách ấy sẽ bị loại bỏ, và việc định hướng cho các hướng nghiên cứu mới mẻ này sẽ tùy thuộc vào điều kiện là các kết quả cuối cùng có thể dịch được sang ngôn ngữ máy” [tr.62-63]. Một loạt những nhà văn trẻ thành danh trên văn đàn một cách “chính thống” từ các tác phẩm in ấn truyền thống như Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh, Phong Điệp, Đàm Huy Đông… ngày nay cũng đã trở thành những blogger thứ thiệt, hoặc chí ít, những tác phẩm của họ cũng đã được số hóa trên nhiều trang web văn chương như thica.net, hoahoctro.com, thivien.net…

Ngày nay, thật khó để tìm ra một gương mặt nhà văn trẻ nào thực sự đứng ngoài thế giới mạng. Nếu anh không công bố tác phẩm của mình trên một trang web cá nhân, một blog cá nhân, thì rất có thể, nơi anh gửi bài, đăng bài là những trang web văn học như vanvn.net, vanhocquenha/vi-vn, evan.vnexpress. net, thậm chí, một số tạp chí văn học in truyền thống khi đăng một tác phẩm nào đó thì liền có xu hướng đăng lại những bài ấy trên trang web của mình, hoặc tiến hành phân loại bài nào sẽ được đăng trên nền tảng mạng, bài nào sẽ in trên nền tảng giấy in truyền thống như Tạp chí Sông Hương, Văn nghệ quân đội, Nhà văn... Chính vì vậy, nền văn học “viết trên mười đầu ngón tay” như cách nói của nhà thơ Hữu Thỉnh đang trở thành một trạng huống văn hóa, một sinh quyển văn học có tính toàn thể mà nhà văn trẻ không thể đứng ngoài, đó không phải là một lựa chọn có tính “model thời thượng” mà là một phương thức tồn tại có tính bắt buộc. Dù muốn dù không, dù chủ quan hay khách quan, nhà văn trẻ cũng buộc phải dấn thân vào trong mê cung (labybirth) mới của sự sáng tạo. Tuy nhiên, căn cứ “ADN” nhằm phân định giữa hai chủng nhà văn trẻ như chúng tôi đã nói ở trên nằm trong bản chất ngôn ngữ và ý thức tự giác hay bị động của họ trong quá trình tham gia nền tảng mạng. Nếu như “chủng” nhà văn trẻ truyền thống vẫn chủ yếu sáng tác theo phong cách ngôn ngữ điển phạm, với sự đơn thuần bảo lưu thói quen sử dụng câu, từ và cấu trúc ngữ pháp chuẩn mực, thì những nhà văn viết trên mười đầu ngón tay đích thực sử dụng một phong cách ngôn ngữ mới, với những thành ngữ tuổi teen (thoải con gà mái, cướp trên giàn mướp), những kí hiệu mạng với các icon và kí tự máy tính, những lối cấu trúc tác phẩm theo nguyên tắc thẩm mỹ facebook, chatroom và lối đọc status và entry (những nguyên tắc thẩm mỹ mà chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong một tiểu luận khác). Nếu như quá trình di chuyển trên nền tảng mạng của những nhà văn trẻ truyền thống mà chúng tôi tạm gọi là những nhà văn trẻ “viết - in” là từ văn bản giấy số hóa thành văn bản mạng, thì ngược lại, những nhà văn trẻ viết trên mười đầu ngón tay có xu hướng từ những văn bản mạng được chính thống hóa, cố định hóa thành những văn bản in mà chúng tôi gọi đó là quá trình “điển phạm hóa văn bản số”. Chính những nhà văn trẻ dạng thứ hai mới là đối tượng mà chúng tôi quan tâm, bởi thứ văn học họ đang viết mà chúng tôi xác quyết gọi là văn học mạng/máy tính (compu(in)ter(net) literature) mới chính là ngôn ngữ mang tinh thần và khả tính của thời hậu hiện đại. Đó chính là những biểu tượng văn học cho nền văn hóa Bip bip (Blip culture) mà Alvin Toffer từng đề cập đến trong Đợt sóng thứ ba, nhằm chỉ nền tảng văn hóa được kiến tạo bằng màn hình máy tính, vệ tinh viễn thông và quá trình giải đại chúng hóa các phương tiện truyền thông, biến mỗi cá nhân thành một cơ quan truyền thông tư nhân, phát ngôn qua những blog, web. Cách phân loại trên có phần “chủ quan”, bởi thực chất mỗi nhà văn thường xuyên có quá trình “biến hình”, “tiến hóa”, “di cư” giữa hai chủng, tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một thực trạng là, đa phần những nhà văn trẻ “viết - in” truyền thống ở vào một ngưỡng tuổi mà danh hiệu “trẻ” e chỉ còn tồn tại như một thói quen có tính “phi lịch sử”, bởi những nhà văn này đa phần sinh trước thập niên 80 của thế kỉ XX, tức ngày nay đã ngoài ba mươi tuổi, một độ tuổi mà trong vài môn thể thao đã cần phải giải nghệ, nếu không muốn bị coi là những lão tướng. Tất nhiên, chúng tôi không muốn phủ định năng lực sáng tạo cũng như những cống hiến của họ, bởi thực ra, đó mới là độ tuổi chín của nghiệp viết, nhưng ở độ tuổi đó mà vẫn muốn khoác áo nhà văn trẻ thì e cũng là tâm lý “cưa sừng làm nghé”. Những nhà văn trẻ này thực sự được văn đàn thừa nhận, có thành tựu và đã định hình cách viết, nhưng họ đã thuộc về một hệ hình văn học đã qua, do đó, họ giống như những Chân Bảo Ngọc (trong Hồng lâu mộng - Tào Tuyết Cần), có tính chính thống nhưng lại thiếu tính cách tân và khó chờ đợi một cuộc cách mạng, nổi loạn trong sáng tạo từ những cây bút này. Trên một góc độ khác, những Giả Bảo Ngọc ngày nay chính là những nhà văn trẻ 8x trở đi, đa phần còn trong bóng tối và đang nỗ lực xác lập tiếng nói của mình trong một mê cung mạng. Vậy, những nhà văn trẻ đang là chủ thể thực sự của nền văn học mạng/ máy tính. Họ là ai, họ sinh ra từ lúc nào và những nguy cơ, hạn chế cùng những khả năng, và cách tân gì mà chúng ta có thể chờ đợi?

2. Hai ngọn tháp và mê cung 

Ngược dòng thời gian, theo một số tài liệu, có thể nhận định rằng, ngay từ năm 2003 - 2004 với sự ra đời của phần mềm iCMS, một trang web trong nước đã mở những diễn đàn mạng trao đổi đầu tiên cho người dùng, nhưng chủ yếu đề cập đến những vấn đề phi văn học. Sự xuất hiện của mạng xã hội tại Việt Nam, như vậy, chênh khoảng 6 năm so với tiến trình phát triển của mạng xã hội trên thế giới, nếu ta lấy điểm mốc năm 1997 - năm ra đời của mạng xã hội đầu tiên mang tên sixdegrees.com. Tuy nhiên, sự ra đời của cộng đồng văn học mạng tại Việt Nam, với hạt nhân là những cây bút trẻ, gắn liền với sự ra đời của mạng xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng mang tên Yahoo! 360°. Ra đời ngày 29 tháng 3 năm 2005, vào tháng 6 thì chính thức đưa vào hoạt động, mạng xã hội Yahoo! 360° nhanh chóng khẳng định vị trí thống ngự và quyền lực đặc biệt của mình trong cộng đồng blogger Việt Nam, bất chấp trên thế giới, myspace, opera, cyworld, xanga, mà đặc biệt là facebook và twitter mới là những mạng xã hội phổ biến và quyền lực nhất. Theo David Kirkpatrick trong Hiệu ứng facebook và cuộc cách mạng toàn cầu của mạng xã hội (Nxb Thế giới, 2012), chúng ta có thể thấy sự phát triển đặc thù của mạng xã hội tại Việt Nam. Trong khi các nước Đông Nam Á khác rất chuộng trang Friendster (ra đời tháng 2 năm 2003), thành viên của trang mạng xã hội từng lừng danh một thuở này có đến 60% là cư dân Đông Nam Á, thì ở Việt Nam, chính Yahoo! 360° mới tạo ra hiệu ứng mạng xã hội, còn Friendster hầu như không tạo ra được ảnh hưởng nào. Những thế hệ nhà văn trẻ viết trên nền tảng mạng đầu tiên ở Việt Nam hẳn đã bắt đầu thiết lập sự ảnh hưởng và tạo dựng cộng đồng đọc của mình dựa trên sự phổ thông và sức lan tỏa mạnh mẽ của Yahoo! 360° vào khoảng nửa đầu năm 2006 trở đi. Với một loạt những chức năng tùy biến nổi bật phù hợp với việc viết blog và thể hiện cái tôi như avatar (ảnh đại diện, cho phép tải lên đồng thời 4 avatar), blast (câu đề từ treo phía trên blog nhằm nêu tâm trạng), mà đặc biệt là theme (hình nền blog có thể thay đổi tùy biến theo thiết kế có sẵn hoặc tự thiết kế riêng cực kỳ màu sắc và cá tính), Yahoo! 360° thực sự đã chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc hình thành cộng đồng văn học mạng tại Việt Nam. Sự thành công đặc biệt của Yahoo! 360° còn phụ thuộc vào hoàn cảnh đặc thù tại Việt Nam đó là mọi người ai cũng hầu như sở hữu một hộp thư Yahoo và một công cụ chat Yahoo messenger. Trong khi đó, trên thế giới, Yahoo! không phải là dịch vụ mạng có quyền lực tuyệt đối, mà ngày càng bị uy hiếp và suy suyển bởi sự lớn mạnh không ngừng của hotmail (của Microsolf) và gmail (của Google). Tận dụng lợi thế đặc thù tại Việt Nam, Yahoo! 360° đã kết nối chức năng mạng xã hội của mình với hòm thư điện tử và công cụ chat lẫn các thư viện ảnh như Yahoo! Flickr, Yahoo! Photos hoặc một số dịch vụ khác như Yahoo! Local, Yahoo! Shopping, Yahoo! Travel và Yahoo! Games, Yahoo! Music để tạo nên một cộng đồng mạng xã hội thành công nhất cho đến nay tại nước ta.

Yahoo! 360° trước tiên là một mạng xã hội, nhưng hầu như mọi người dùng đều xem nó là một blog, trong khi blog chỉ là một trong những chức năng mà Yahoo! 360° cung cấp. Sở dĩ có điều đó là bởi, chức năng blog trên Yahoo! 360° luôn chiếm ưu thế, được bố trí giao diện lượng lớn trên wall của mỗi tài khoản cá nhân. Bộ công cụ gõ và trang trí cho những bài viết trên Yahoo! 360° cũng rất đa dạng, sinh động và thuận tiện cho người viết. Ngay từ năm 2005, những người dùng Yahoo! 360° đã có thể sử dụng nhiều font chữ, size chữ, định dạng chữ, màu chữ tùy biến khác nhau, và đặc biệt là những icon đa đạng, ngộ nghĩnh nhiều màu sắc, cũng như tha hồ chèn ảnh, nhạc vào trong bài viết (những tác phẩm văn học) của mình. Trong khi đó, nhiều tính năng sinh động ấy cho đến nay vẫn không thể sử dụng trên nền tảng viết blog của facebook, hoặc mới được cập nhật một cách dè dặt gần đây (việc sử dụng icon). Chính Yahoo! 360° đã tạo tiền đề cho sự ra đời trào lưu văn học mạng đầu tiên, với những đặc tính như sử dụng lối viết chèn icon, ngôn ngữ teen kiểu Ka^’p ddo^. De^~ ddo.k (cấp độ dễ đọc); +)0^. k0^’ g4(nG’ +)0.k -!)u+0+k (cấp độ cố gắng thì đọc được)…. (trích từ 3339 [những mảnh hồn trần]), tạo ra cộng đồng người đọc đông đảo với những comment bình luận văn học sôi động và có tính tương tác cao giữa người đọc với người viết. Chính những nguyên tắc thẩm mỹ và thủ pháp nghệ thuật mạng mới mẻ này đã dần đi vào văn học viết với những tác phẩm có tính tiền phong của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 những mảnh hồn trần (cho dù Đặng Thân không hề trẻ). Một thế hệ blogger văn học trẻ đầu tiên, mà không ít người trong số họ đã nổi tiếng từ trước với những tác phẩm viết truyền thống, đã dần xác lập vị trí của mình trên Yahoo! 360° như Trang Hạ, Hà Kin, Trần Thu Trang… mà đặc biệt là Joe (một chàng trai ngoại quốc nói tiếng Việt cực giỏi). Tác phẩm tiêu biểu nhất, gây được ảnh hưởng lớn nhất trên văn đàn trong “triều đại” của Yahoo! 360° chính là Chuyện tình New York của Hà Kin - một tác giả trẻ vốn là cựu sinh viên ngoại giao. Một tự truyện gây xôn xao trên thị trường xuất bản với tư cách tác phẩm văn học mạng đầu tiên được chính thức “điển phạm hóa” thành văn bản in, một tác phẩm có cả đoạn viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, có đĩa audio nhạc tặng kèm do chính tác giả hát. Chính tính lai ghép đặc biệt, cộng đồng blogger Yahoo! 360° đông đảo, cùng vị trí tiền phong mà cuốn tiểu thuyết mạng này lãnh ấn đã giúp Chuyện tình New York trở thành một bestseller nổi bật trong làng xuất bản với hàng chục ngàn bản in (cả chính thức lẫn bị đầu nậu in lậu), đánh dấu cho sự phát triển từ “tự phát” sang “tự giác” của văn học mạng Việt Nam do những người trẻ tuổi dẫn đầu.

Trong bộ tiểu thuyết phiêu lưu, anh hùng nổi tiếng của J. R. R. Tolkien với tựa đề Chúa tể của những chiếc nhẫn (The lord of the rings), tập hai với tựa đề Hai ngọn tháp (The Two Towers), tác giả đã kể về hai ngọn tháp Minas Morgul (hoặc Barad-d#r, hoặc Cirith Ungol) và Orthanc, biểu trưng cho quyền lực và cũng là thành trì của Sauron và Saruman. Câu chuyện ấy làm chúng tôi liên tưởng đến nền văn học mạng được kiến tạo trên hai ngọn tháp là Yahoo! 360° và facebook. Kể từ ngày 13 tháng 7 năm 2009 (ở Việt Nam là 19 tháng 8), Yahoo! chính thức đóng cửa mạng xã hội Yahoo! 360° do thế giới không ưa chuộng và nhiều lỗi. Với sự “tan rã” của “liên bang” Yahoo! 360°, cộng đồng blogger văn học Việt Nam đã thực sự bị phân tán ra một loạt những “tiểu cộng hòa” khác qua các nền tảng do chính Yahoo! phát triển như Mash hoặc Yahoo! 360° Plus - một mạng xã hội dành cho thị trường Việt Nam, một số khác “đầu quân” cho wordpress, blogger, multiply, weblog… mà đặc biệt là hai mạng xã hội “thuần Việt” là zing.vn và yume.vn. Chính vì vậy, nếu ngọn tháp đầu tiên dễ dàng xác định là Orthanc (Yahoo! 360°), thì ngọn tháp thứ hai (Minas Mor- gul, hoặc Barad-dur, hoặc Cirith Ungol) cho đến nay vẫn còn chưa ngả ngũ bởi sự phân tán của cộng đồng viết trẻ trên các trang mạng xã hội, yume có một số cây bút nổi tiếng như Ngọc Thanh (TTAT), Nguyễn Ngọc Tư, Dương Bình Nguyên, Phong Việt, Robbey… wordpress có Trang Hạ, Trần Thu Trang, một số khác lập web riêng như Di Li, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Tư… (một số gương mặt trên hiện nay có thể đã “quá tuổi”, nhưng có thể tính tương đối do thời điểm tham gia cộng đồng mạng của họ sớm từ nhiều năm trước). Sự phức tạp còn nằm ở chỗ sau khi đế chế Yahoo! 360° tan rã, những nhà văn trẻ viết bằng mười đầu ngón tay chuyển qua sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, hoặc liên tục “chuyển nhà” nhằm chọn cho mình một cộng đồng đọc và viết thích hợp nhất. Có khi một nhà văn có đến vài “địa chỉ mạng”, hoặc hôm nay sử dụng mạng xã hội này ngày mai lại “khóa” nhằm chuyển sang cộng đồng mạng xã hội khác. Tạo nên một mê cung, ngõ cụt chằng chịt những “địa chỉ chết”, những ngôi nhà có nhiều địa chỉ.

Tuy vậy, ngoài khuynh hướng chuyên nghiệp hóa “địa chỉ viết” bằng những web cá nhân (như Keng, Joe…) thì có thể nói, ngọn tháp thứ hai khả dĩ thu hút nhiều cây bút ngón tay nhất chính là facebook. Bắt đầu từ sự tan rã của Yahoo! 360°, cộng đồng blogger văn học trẻ Việt Nam đã thực hiện cuộc “di dân” quy mô (dù không triệt để) sang nền tảng facebook, cho dù mạng xã hội này không thực sự phù hợp và chuyên biệt cho việc viết blog văn chương. Có thể nói, những nhà văn trẻ hiện nay, dù có thể sở hữu một địa chỉ blog hay mạng xã hội khác, đều gần như đồng thời là một thành viên của facebook. Chúng ta có thể tìm thấy những nhà văn, nhà phê bình thế hệ cuối 7x, 8x như Trần Thiện Khanh, Hoàng Anh Tú, Phong Điệp, Trịnh Sơn, miên di… cho đến những nhà văn trẻ thế hệ 9x như Kawi, Gào, Meggie Phạm, Nguyễn Thị Khánh Huyền… trên nền tảng facebook. Mặc dù không có giao diện bắt mắt, tùy biến như Yahoo! 360°, các chức năng hỗ trợ viết tác phẩm văn chương mạng cũng cực kì nghèo nàn, khô cứng, nhưng bù lại, facebook lại có khả năng tương tác cao, tầm hoạt động thế giới, hiệu suất hoạt động ổn định và thuận tiện cho nhà văn trẻ khi đưa ra những nhận định, bày tỏ tâm tư qua chức năng status, khả năng thu hút người đọc qua chức năng like và comment. Một trong những ưu thế nổi bật đặc thù của facebook so với các trang mạng xã hội đình đám khác như myspace đó là trang mạng xã hội này buộc thành viên dùng tên thật, ảnh đại diện thật, tiểu sử thật. Khác với văn hóa nặc danh (anonymous) phổ biến trong các trang mạng xã hội khác, facebook khuyến khích người dùng công khai danh tính thật, và phương thức tìm kiếm, kết bạn của nó cũng dựa trên sự xác thực của cứ liệu tiểu sử. Tất nhiên, facebook không đủ khả năng kiểm chứng thông tin cá nhân, nhưng với phương thức xác định một cá nhân dựa trên những mối quan hệ xã hội (mạng) của họ, một người lạ sẽ không đồng ý kết bạn nếu họ không biết bạn là ai, nói cách khác, tính xác thực của thông tin về bạn sẽ được kiểm chứng dựa trên ai là friend của bạn trên facebook, hai người có chung bao nhiêu friend và số lượng friend đó là bao nhiêu. Nhờ tính năng “xác thực” nhân thân này, mà sự xuất hiện của mỗi cá nhân (nhà văn) trên nền tảng (mạng xã hội facebook) đã trở nên chân thật hơn, trực tiếp hơn và đáng tin hơn bất kỳ những trang mạng xã hội khác. Giao diện đơn giản, thân thiện, tốc độ chu chuyển cao và dễ sử dụng với bất kì ai cũng góp phần giúp cộng đồng văn học mạng trên facebook phát triển, vì mọi đối tượng nhà văn, không cần có trình độ thành thạo sử dụng vi tính/mạng, cũng có thể dễ dàng sử dụng facebook. Trong khi đó, Yahoo! 360° trước đây và myspace sau này do quá chú trọng đến hình thức giao diện, nên chỉ phù hợp với đối tượng những người viết trẻ tuổi. Mặt khác, chính nhờ những chức năng như like, comment, viết status mà đặc biệt là chức năng news feed (mọi hoạt động của mỗi cá nhân và bạn của họ sẽ được hiện lên thông báo trong phần wall “trang chủ” trên các facebook mà họ là bạn bè) đã giúp cho nhà văn trẻ tương tác một cách linh hoạt, tức thời với người đọc. Do đó, ngọn tháp thứ hai (Minas Morgul) trong cộng đồng compu(in)ter(net) literature xứng đáng thuộc về facebook.

3. Những con quái vật Minotaur và kho báu của bốn mươi tên cướp 

Tất cả bắt nguồn từ sự giận dữ của thần Poseidon trước sự lừa dối của vua Minos, khi nhà vua xứ Crète thay con bò trắng tuyệt đẹp vốn là vật triều cống bằng một con bò giả, nên vị thần của đại dương đã làm phép khiến hoàng hậu Pasiphae phải yêu lấy chính con bò đó mà sinh hạ quái vật nửa người nửa bò Minotaur. Quái vật Minotaur đã gây ra kinh hoàng cho đảo Crète và mỗi năm nhà vua phải cho nó ăn thịt 7 người con trai và 7 người con gái lấy từ Athen, sau khi nỗ lực nhốt nó vào một mê cung do Daedalus thiết kế. Sự tích ấy làm chúng tôi liên tưởng đến những hạn chế của nền văn học trẻ được viết bằng mười đầu ngón tay hiện nay ở Việt Nam. Trước tiên, đó là tính thị trường rõ nét, bởi nhà văn viết trên nền tảng mạng luôn chịu sự chi phối lớn từ phía cộng đồng người đọc mạng. Nhiều khi, họ viết không phải từ một thôi thúc sáng tạo bên trong, một sự nghiền ngẫm có tính chiều sâu và đòi hỏi trải nghiệm sống, mà bằng cách thu hút những like, những comment từ phía người đọc. Việc tương tác trực tiếp giữa người đọc với người viết trong quá trình sáng tạo có nhiều lợi điểm (tạo tính đối thoại, dân chủ, chấp nhận sự tham dự năng động của người đọc, người đọc đồng sáng tạo…), nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, bởi đám đông và thị hiếu đám đông không phải lúc nào cũng sáng suốt. Hơn nữa, mọi tác phẩm văn học lớn, có giá trị bền vững, thực chất bao giờ cũng là những công trình có tính thách thức sự đọc, đó là những tác phẩm có khoảng cách thẩm mỹ nhất định, đòi hỏi người đọc phải nâng cao tầm đón nhận mới có thể thông hiểu. Viết dưới “giá treo cổ” của người đọc đảm bảo cho nhà văn một công chúng rộng rãi, sự nổi tiếng, một sự “bảo kê” cho số lượng sách xuất bản và số lượng người mua sách rộng rãi sau này nếu tác phẩm đó được in thành sách. Nhưng nó cũng dễ tác động khiến tác phẩm thiếu đi tính chỉnh thể, thiếu cá tính, và sự kiên định với những dự phóng sáng tạo ban đầu. Văn học từ một diễn ngôn nghệ thuật có tính chỉnh thể tư tưởng, biến thành một cuộc bình chọn, một show diễn, một quá trình PR. Nhà văn trẻ dễ dàng đi vào những chi tiết gây sock (tính dục, hình sự, scandal), những khung cảnh lãng mạn thị trường (ở các thành phố đẹp trên thế giới theo kiểu phim Hàn) và tác phẩm đơn thuần chỉ là sự kể về những câu chuyện tình đẹp, lãng mạn, nhiều nước mắt phần nhiều có tính tự truyện đơn giản.

Đọc những nhà văn trẻ hiện nay, đặc biệt là những người viết bằng mười đầu ngón tay, có thể thấy họ quan tâm đến những sự kiện quảng bá, trang trí bìa sách, tựa đề sách, số lượng xuất bản, sau đó là sự chú ý đến cốt truyện, tính cách nhân vật hoặc ngôn ngữ đối thoại, giọng điệu kể. Ngược lại, những nỗ lực cách tân thể loại, các thông điệp tư tưởng mới mẻ và sự thể nghiệm các kỹ thuật viết mới của hiện đại và hậu hiện đại hầu như vắng bóng. Trong thơ tình hình có sáng sủa hơn với những cách tân khá mạnh dạn, tuy nhiên, thơ lại ít được xuất bản, và nếu có xuất bản hầu như cũng không gây được hiệu ứng rộng rãi bằng văn xuôi. Một trong những ưu điểm và cũng là nhược điểm của các nhà văn trẻ hiện nay viết bằng mười đầu ngón tay là họ viết quá nhanh, nhằm tận dụng độ hot của mình, cũng như buộc người đọc liên tục nhớ đến mình giữa một rừng tác phẩm của các nhà văn khác cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phải liên tục sáng tạo có thể hướng tác phẩm đi theo một số lối mòn dễ dãi, hoặc chỉ cách tân, đổi mới trên một số phương diện nhất định, chứ mỗi tác phẩm chưa thực sự là một bước nhảy, một sự phát triển mới của tư duy nghệ thuật, mà đơn thuần chỉ là sự nối dài, một quá trình viết mới lại câu chuyện dựa trên một motif có sẵn. Có thể nhận định rằng, sự tương tác, ảnh hưởng giữa các nhà phê bình, lý luận trẻ hiện nay với các nhà văn trẻ là chưa cao. Dẫn đến tình trạng trong khi một số nhà phê bình, lý luận trẻ ngày nay rất mạnh dạn nghiên cứu những hệ hình lý thuyết mới, vượt ra khỏi hệ hình tư duy nghiên cứu văn học truyền thống, thì đa phần những nhà văn trẻ vẫn chưa có nhiều sự cách tân tương ứng. Ngược lại, các nhà phê bình, lý luận trẻ do không tìm thấy đối tượng thích hợp, nên cũng thiếu sự gắn bó, quan tâm đến thực tiễn sáng tạo trẻ.

Sự lệch pha nói trên dẫn đến một hệ quả khác, các nhà văn và nhà phê bình, lý luận trẻ khó kết nối, tập hợp lại thành những trào lưu, trường phái nghệ thuật có tính định hướng, có tổ chức và có tuyên ngôn nghệ thuật rõ ràng. Giai đoạn 30 - 45 chúng ta đã chứng kiến một thế hệ cầm bút trẻ hình thành từ việc chuyển hệ hình ngôn ngữ, thi pháp và tư duy văn học từ “bút lông” sang “bút sắt”, và do có sự thống nhất về tư tưởng nghệ thuật, nguyên tắc thẩm mỹ, quan niệm thể loại, thi pháp… nên đã xuất hiện hàng loạt trào lưu, trường phái như Tự lực văn đoàn, Trường thơ loạn, Xuân Thu Nhã Tập, Dạ Đài… Còn xem xét lại các nhà văn trẻ viết bằng mười đầu ngón tay hiện nay, ta có thể thấy họ sáng tác khá tự phát, có tính chất cá thể và thiếu sự đoàn kết thống nhất thành những trào lưu nghệ thuật thực sự có tính cách tân. Một số người có sự giao lưu, tập hợp thì lại không có được tuyên ngôn nghệ thuật, thành tựu nghệ thuật thực sự, mặt khác lại hướng sự quan tâm vào những vấn đề phi văn học, không có độc giả nên cũng sớm chìm lắng. Một số khác có ý thức đổi mới nghệ thuật bằng những thử nghiệm cách tân thì vẫn chưa nhận được sự đồng cảm rộng rãi của công chúng và các nhà phê bình, cũng như bản thân những sáng tạo ấy vẫn chưa thực sự vượt thoát khỏi trình độ bước đầu thể nghiệm, học hỏi từ bên ngoài, chưa tạo nên những thành tựu tiên phong mang bản sắc cá nhân, mang tuyên ngôn của thế hệ mình và tinh thần thời đại mới của dân tộc.

Ngoài ra, một trong những con quái vật Minotaur mà những nhà văn trẻ viết bằng mười đầu ngón tay hiện nay phải đối mặt đó là tính phức tạp, nặc danh và bất định của môi trường mạng. Một số người dễ gặp phải những scandal, những chiến dịch “truyền thông” hạ bệ uy tín cá nhân bởi nhiều lý do từ phía những anti - fan. Do đặc tính nặc danh, không nhất thiết phải công bố danh tính, tiểu sử thật, nên cộng đồng người đọc mạng là một chỉnh thể không thống nhất, nhiều nguy cơ tiềm ẩn sẵn sàng định hướng sai cho sự đọc, cả trên phương diện lăng xê và cả trên phương diện bôi nhọ uy tín cá nhân bởi tính hiếu kỳ và tâm lý đám đông. Cho nên, những “vụ, việc” văn học trên mạng thời gian qua đã ảnh hưởng đến uy tín và đời tư một số nhà văn trẻ.

Mặc dù con quái vật Minotaur thật sự đáng sợ với hình dạng nửa người, nửa bò, nhưng rồi chàng anh hùng Theseus cũng giết được nghiệt chủng ấy và tìm được lối ra cho mình giữa mê cung. Nền tảng mạng tiềm ẩn nhiều con quái vật Minotaur, nhưng chúng ta vẫn buộc phải tồn tại trong kỹ quyển đó, không một ai còn có thể đứng ngoài trạng huống văn hóa này, hệt như thế hệ nhà Nho Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX dẫu muốn ẩn dật, an nhàn cũng không thể thực sự thanh thản, “mũ ni che tai” một khi hoàn cảnh lịch sử mới đã thay đổi triệt để cơ cấu xã hội và bản chất văn chương. Nền tảng văn học mạng ngoài việc ẩn chứa những con quái vật, còn hứa hẹn những kho báu kếch xù và nhiều vô giới hạn. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế chỉ kể từ khi văn học mạng ra đời, những cây bút trẻ mới có điều kiện bình quyền với những cây bút đã thành danh, có uy quyền trên văn đàn trong việc tiếp cận độc giả. Trước đây, khi xuất bản sách in là con đường duy nhất để đưa một tác phẩm văn học đến với người đọc, thì đương nhiên, những nhà xuất bản sẽ ưu tiên “chọn mặt gửi vàng” cho những người nổi tiếng, thành danh như một sự đảm bảo cho số lượng in và quá trình kinh doanh sách. Việc những người trẻ trước đây tự bỏ tiền in là cực kỳ hiếm hoi do điều kiện kinh tế cũng như thực tế không thể bán sách sau khi in diễn ra hiệu quả. Do đó, những cây bút trẻ trước đây buộc phải nhờ đến sự lăng xê, đỡ đầu, giới thiệu, bốc thơm của những cây bút đã thành danh, những nhà lý luận, phê bình có tên tuổi. Nhưng từ khi nền tảng mạng ra đời, những cây bút trẻ đã tự tạo dựng cho mình một cộng đồng đọc đông đảo, trung thành và sẵn sàng mua những cuốn sách in trong tương lai. Hiện tượng Hà Kin với Chuyện tình New York, Joe với Tớ là dâu, Ngược chiều vun vút, Gào với Nhật kí son môi… chính là những biểu tượng cho quá trình tìm thấy “kho báu” trên cộng đồng mạng xã hội. Khi đó, những nhà xuất bản, những hợp đồng in ấn, lăng xê, PR, những buổi giao lưu, offline sẽ được chính những nhà xuất bản, công ty sách, công ty truyền thông hoặc chính những ban quản trị của các trang mạng xã hội tổ chức cho tác giả trẻ.

Một trong những “kho báu” khác mà theo chúng tôi, những nhà văn trẻ hiện nay của chúng ta chưa biết cách tận dụng triệt để, hiệu quả, đó là những nguyên tắc thẩm mỹ mới trong nền tảng ngôn ngữ nhị phân (ngôn ngữ mạng/ máy tính), những khả năng và phương thức cấu trúc văn bản có tính tùy biến, tương tác, đa phương tiện, hỗn tạp, thậm phồn… chỉ có thể có ở những tác phẩm văn học mạng. Điều mà văn học phương Tây đã gợi ý từ những thể nghiệm ngay từ những năm 1928 với tiểu thuyết siêu thực tiêu biểu Nadja của André Breton. Và gần đây là loại truyện ngắn tùy biến, ngẫu nhiên mà người đọc có thể lựa chọn riêng cho mình một cốt truyện, một kết cục và một thông điệp dựa vào việc tự do đọc các phần truyện theo thứ tự do mình quyết định. Sự kiện tiểu thuyết Anh chàng xe điện gây xôn xao trong nền văn học Nhật Bản đương đại, hoặc những cách tân mạnh dạn có tính tiền phong của Đặng Thân trong 3339 [những mảnh hồn trần] hình như vẫn chưa được những cây bút trẻ chú ý đúng mức. Mặt khác, nếu như nền tảng mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng đã giúp những cây bút trẻ tự do giao lưu, tương tác, đọc và phản hồi tức thì phi không gian, phi thời gian, phi kinh phí, thì tại sao họ không tận dụng phép màu này nhằm tạo nên những nhóm, những trường phái, những trào lưu nghệ thuật có tính định hướng, thống nhất, và có tuyên ngôn nghệ thuật rõ ràng. Phải chăng, hệt như Kasim (anh trai của Ali Baba) một khi đã lọt vào được kho báu của bốn mươi tên cướp, trước của cải kếch sù nên bởi lòng tham lam và lợi ích nhất thời mà đã quên mất câu thần chú: “Vừng ơi! Mở ra!”?

PHAN TUẤN ANH
(SH287/01-13)

No comments:

Post a Comment