.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, January 29, 2013

NHÀ VĂN VĂN CHINH: TÔI CÓ CẢM GIÁC “BỊ TÓE BÙN LÂY”


(Thethaovanhoa.vn) - Văn Chinh tự nhận là người viết phê bình "tay ngang" mà lại được một hội nghề nghiệp là Hội Nhà văn Việt Nam công nhận thành quả lao động khi trao giải thưởng văn học năm 2013 cho cuốn tiểu luận phê bình ra năm 2012 Đa cực và điểm đến.
Nhà văn Văn Chinh

Nhà văn có cuộc trò chuyện với TT&VH trước lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra sáng 29/1 tại Bảo tàng Văn học.

Nhận giải người khác "chê", rất mừng mà cũng rất buồn
* Cảm tưởng của ông khi cuốn Đa cực và điểm đến đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2012 cho sách lý luận phê bình?
- Rất mừng, vì tôi vốn là nhà phê bình “tay ngang” mà. Trước đây tôi có “va chạm” với một người trong ban chung khảo nhưng họ vẫn bỏ phiếu cho tôi 9/9, tôi thấy như thế là công tâm.
* Chứ không phải vì trong cuốn tiểu luận phê bình của ông có khen ngợi lãnh đạo của Hội Nhà văn?
- Trong sách, tôi khen thơ Hữu Thỉnh, trên mạng người ta cũng bảo viết như thế là nịnh, là bênh. Trước khi ra sách, tôi biết rõ thế nào họ cũng nói như thế, nhưng tôi vẫn in.
Thế hệ trẻ ngày nay may mắn so với chúng tôi ở chỗ xã hội phát triển, đời sống không bị gò bó và thị trường rất rộng mở, nhưng các bạn thiệt thòi ở chỗ văn học đang chuyển động nháo nhào, các giá trị đang bị xáo trộn, không còn chuẩn mực nữa. Thế nên văn chương cứ có người được giải thì lại bị chửi, bị ném đá theo kiểu rất kỳ cục.
* Không gian văn học trước đây thì sao?
- Trước đây, khi một tác phẩm văn học như thơ của Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh... đoạt giải đều tạo nên vinh quang có sức lan tỏa. Hồi đó tôi ở tận vùng miền núi của Phú Thọ mà vẫn tìm đọc và yêu thích tác phẩm của Phạm Tiến Duật. Có lúc cả nước đều đọc một tác phẩm. Giá trị của tác phẩm văn học và các giải thưởng có âm vang rất lớn, đi thẳng vào xã hội.
Còn bây giờ, tôi cũng vừa nói với báo chí là nhận giải trong bối cảnh có người không nhận và công khai phê phán Hội làm tôi có cảm giác "bị tóe bùn lây". Vì thế, rất mừng mà lại cũng rất buồn.
"Viết như tôi không dễ nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp"
* Từ khi cuốn Đa cực và điểm đến ra mắt, ông có nhận được phản hồi gì không?
- Có nhiều cuộc điện thoại bạn bè của tôi, khen có chê có. Sách của tôi không phải là kiểu người ta thích mua, thích đọc. Khi người ta có tiền, họ tạo ra sự kiện bằng cách họp báo, lăng-xê để người ta biết đến, vô tình họ đã tạo ra sự bất công đối với những tác phẩm chân chính nhưng tác giả của nó không có tiền để tạo ra sự kiện.
* Nhận xét phong cách phê bình của ông qua cuốn Mùa màng văn chương mấy năm qua trước đây, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn từng viết: "Văn Chinh sắc sảo nhưng chưa tinh tế". Ông nghĩ sao?
- Nhận định đúng đấy. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp ý với tôi là trong cuốn Đa cực và điểm đến này có những bài viết không nên đưa vào, nghĩ lại tôi thấy cũng không nên thật.
* Đọc phê bình của ông, có cảm giác đó là những bài đọc sách công phu và phóng khoáng hơn là theo đúng "chuẩn" phê bình, không bám sát lý thuyết, không gọi tên thủ pháp, không xếp loại phong ngôi... Phong cách của ông dường như đối lập với những nhà phê bình hàn lâm như Đỗ Lai Thúy.
Nhà văn Văn Chinh sinh năm 1948 tại Thái Bình. Ông là học viên Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du (1983 - 1986). Tác phẩm chính: Các tập truyện Đá mưa, Dòng sông mùa lũ qua, các tiểu thuyết Lần đối thoại thứ hai (hay là Một người Mỹ mất tích), Mùa sương, Góa chồng một thế kỷ, Hoa hồng cát, các tiểu luận phê bình: Mùa màng văn học mấy năm qua, Đa cực và điểm đến.
- Đúng. Kiểu ông Đỗ Lai Thúy có thể gọi là phê bình đại học hay phê bình giáo sư. Còn kiểu của tôi, tôi không biết gọi là gì. Phê bình báo chí thì không hẳn. Nhà văn Đặng Thân thì gọi tôi là "nhà phê bình đồng hành (với nhà văn và tác phẩm)".
Nhưng tôi nghĩ, phương pháp phê bình của tôi là đi men quanh tuyến truyện và những khổ thơ, tìm đến trúng chỗ dễ đập nhất, mượn chữ của Đỗ Lai Thúy là chỗ “mắt thơ”, để đập vỡ cái vỏ của nó để đưa bạn đọc đến với cái lõi của tác phẩm (hoặc chi tiết, câu thơ hay...).
Nhược điểm của phê bình giáo sư là thường đưa vào những hệ thống khái niệm, lý luận và dùng tác phẩm để chứng minh cho một lý thuyết nào đó. Chẳng hạn, khi ông Thúy dùng Freud để cắt nghĩa Tam cúc và Lá diêu bông thì rất hay, rất thuyết phục; nhưng ông ấy sẽ cắt nghĩa sao với Bên kia sông Đuống của chỉ một Hoàng Cầm?
 * Năm 2006, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho cuốn tiểu luận phê bình văn học Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cũng là người viết phê bình "tay ngang" như ông. Ông có so sánh giữa sách của mình và ông Thiệp không?
- Tôi thích Giăng lưới bắt chim. Đó là một tác phẩm quan trọng của Nguyễn Huy Thiệp. Sau một loạt truyện ngắn gây xao xuyến văn đàn được 5 - 7 năm, thì chặng thứ hai của ông ấy chính là Giăng lưới bắt chim. Còn Tuổi hai mươi yêu dấu hay chèo Vong bướm thì chỉ là sách ba xu như chính ông ấy nói.
* Nhưng ông thấy cách viết của Nguyễn Huy Thiệp và ông khác nhau ở đâu?
- Tôi nghiêm cẩn hơn, còn ông Thiệp tự do. Viết như ông ấy dễ gây hiệu ứng xã hội và dễ nổi tiếng hơn.
* Tại sao, đều là chê rất thẳng mà?
- Ông Thiệp viết là "nhà văn Việt Nam ngu dốt", "mấy thằng giặc già lăng nhăng thơ phú". Với tôi thì chả sao, vợ tôi thi thoảng trêu tôi vẫn gọi “thằng giặc già lăng nhăng thơ phú ơi, dậy ăn cơm”. Nhưng không phải ai cũng chịu được đùa. Viết như thế dễ nổi tiếng nhưng cũng dễ gây thương tổn cho người khác. Tôi không sợ mất lòng ai, nhưng tôi không muốn gây thương tổn. Nhà văn Mỹ J. Taylor từng nói: "Không có vết thương nào sâu hơn vết thương do ngòi bút gây ra".
* Sau Đa cực và điểm đến, ông vẫn viết phê bình tiếp chứ?
- Không. Tôi đang viết và sắp ra một cuốn tiểu thuyết. Sắp tới, tôi định cùng nhà văn Trần Huy Quang đối thoại về cuốn tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban, và tự tôi viết về tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ.
* Rồi sau đó?
- Tôi chừa!
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

2 comments:

  1. ĐỌC:

    "nhưng các bạn thiệt thòi ở chỗ văn học đang chuyển động nháo nhào, các giá trị đang bị xáo trộn, không còn chuẩn mực nữa. Thế nên văn chương cứ có người được giải thì lại bị chửi, bị ném đá theo kiểu rất kỳ cục..."

    VÀ:
    "Viết như tôi không dễ nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp", "Ông Thiệp viết là "nhà văn Việt Nam ngu dốt", "mấy thằng giặc già lăng nhăng thơ phú". Với tôi thì chả sao, vợ tôi thi thoảng trêu tôi vẫn gọi “thằng giặc già lăng nhăng thơ phú ơi, dậy ăn cơm”. Nhưng không phải ai cũng chịu được đùa. Viết như thế dễ nổi tiếng nhưng cũng dễ gây thương tổn cho người khác..."

    MỚI THẤY THÊM SỰ HÁO DANH VÀ NGU DỐT CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN CHINH

    ReplyDelete
  2. Là bùn còn sợ hôi tanh mùi bùn? hehe

    ReplyDelete