.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 23, 2013

CÁC DANH SĨ TRIỀU VUA TỰ ĐỨC CÒN LƯU LẠI CHO HẬU THẾ, BÀI THƠ “TAM QUÁ HẢI VÂN”


(Toquoc)- Trong các thi phẩm của các danh sĩ triều vua Tự Đức còn lưu lại cho hậu thế, bài thơ "Tam quá Hải Vân" (Ba lần qua Hải Vân) của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (1840-1877), được nhiều người truyền tụng, chép cả nguyên văn chữ Hán để thưởng thức. Bài thơ có mặt trong các thi tuyển thế kỷ XIX, nay lại có thêm những bức thư pháp chữ Hán in trên lụa, treo trang trọng trong thư phòng những gia đình nền nếp. Một "hiện tượng" yêu thơ của bạn đọc nhiều thế hệ "minh chứng" cho một bài thơ tuyệt bút vượt thời gian trên một thế kỷ qua.

Trần Bích San quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, cất tiếng chào đời ngày 4 tháng Giêng năm Canh Tí (1840) tại Cổ Mai Trang (nay là ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định) trong tư gia của thân phụ. Ông là con cả cụ Phó bảng Trần Doãn Đạt. Nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ, được cha rèn cặp đến tuổi khoá sinh, ông theo học các vị danh sư quê nhà. Trần Bích San đi thi, đỗ Tú tài năm 1861, đỗ Giải nguyên trường Nam Định năm 1864, đỗ liền Hội nguyên, Đình nguyên năm 1865. Ông là vị "Tam nguyên liên trúng" duy nhất triều vua Tự Đức. Đến nay, người còn đời truyền tụng hai câu: "Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu/ Tam nguyên liên trúng quốc triều vô", tôn vinh sự nghiệp khoa bảng của vị Tam nguyên tuổi trẻ tài cao.
Những năm được bổ dụng làm Tri phủ Thăng Bình, rồi Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (1867); làm Phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên, bị giáng làm Tri phủ An Nhơn, Bình Định (1868), rồi được thăng Biện lý sự vụ Bộ Hộ (1869), Trần  Bích San đã mấy lần qua lại vượt đèo Hải Vân "Đệ nhất hùng quan" nước Việt. Trong tập thơ chữ Hán "Mai Nham thi thảo" (Mai Nham là tên hiệu của Trần Bích San), có hai bài thơ ghi lại việc này: "Quá Hải Vân sơn" và "Tam quá Hải Vân".
Nguyên bản Lời tựa tập thơ Mai Nham thi thảo của Trần Bích San
Bài "Quá Hải Vân sơn" (Qua núi Hải Vân) thể thất ngôn trường thiên. Nhà thơ "Hai mươi tám tuổi, ôm chí hải hồ/ Vậy mà năm nay, ngày nay mới tới được núi Hải Vân/ Núi này phía nam trông về bể Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên/ Phía tây có bản làng người Thượng bao quanh, phía bắc là kinh đô/ Nghìn thu vẫn chót vót đứng đầu cả dãy núi/ Xứng với cái tên Đệ nhất hùng quan". Đây là khổ kết bài thơ, tâm sự của người yêu nước  khi quân Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ (1868):
Kiếm mã kỳ khu thử nhất hành,
Nguyện tương tâm sự khấu sơn anh:
Âu nhân kỹ lưỡng thử như thử,
Nam quốc sơn hà linh bất linh.

Mang gươm, ngựa gập ghềnh lần bước,
Nỗi niềm riêng giãi trước non xanh:
Giặc Tây mánh khoé trăm khoanh,
Nước Nam sông núi có linh chăng là?
Mai Thanh dịch
Bài thất ngôn bát cú "Tam qua Hải Vân" thanh thoát, toàn bích với hùng tâm tráng trí của người quốc sĩ trước kỳ quan đất nước "Hải Vân đài":

TAM QUÁ HẢI VÂN

Tam niên tam thướng Hải Vân đài,
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi.
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,
Càn khôn chích nhỡn tiểu trần ai.
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm,
Mã đầu hoa tận đới yên khai.

Dịch nghĩa:
BA LẦN QUA HẢI VÂN

Ba năm ba lần lên đèo Hải Vân,
Con chim thân nhẹ một mình qua lại.
Cây cỏ giữa tầng không, mặt trời mặt trăng đều dưới thấp,
Cả đất trời thu vào con mắt, cõi trần coi như nhỏ không.
Văn không có sơn thuỷ thì không có khí lạ,
Người chưa dãi dầu sương gió thì chưa thể già dặn.
Thôi đừng nói đường qua ải Tần là hiểm trở,
Nơi đầu ngựa, hoa đều đội mây mà nở.

Với người yêu thơ, "Tam quá Hải Vân" của Trần Bích San đáng được xem là "Đệ nhất hùng quan thi phẩm" viết về đèo Hải Vân:
BA LẦN QUA HẢI VÂN

Ba năm ba chuyến vượt đèo,
Cánh chim qua lại nhẹ vèo biển mây.
Nhật nguyệt thấp, vút trời cây,
Cõi đời khoé mắt vơi đầy càn khôn.
Văn hay hùng khí nước non,
Người không sương gió đâu còn tài trai!
Ải Tần đừng nói chông gai,
Ngựa chen mây Hải Vân đài nở hoa.
Phạm Trọng Thanh dịch

No comments:

Post a Comment