.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, January 19, 2013

BÙI-GIÁNG-TỈNH “HƯƠU NON DỊU DÀNG” HAY BÙI-GIÁNG-ĐIÊN “RỐNG TO NHƯ THÚ DỮ”

Hiểu và thấm thía cái triết thuyết Nhất Nguyên Thể  (Vạn vật khởi nguyên từ một thể), người đọc có thể sẽ nhận ra dáng hình và dáng thơ của “Đười Ươi thi sĩ” - khởi nguyên của loài người: Đi về trong cõi người ta/ Trước là thi sĩ sau là đười ươi/ Trận sầu kết chặt cơn vui/ Tiền trình vạn lý chôn vùi dấu chân (Gấu ôi).

Và như vậy, cái câu hỏi khó trả lời xưa nay: “Bùi Giáng điên hay không điên”? cũng sẽ dần dần lộ diện như chính ông đã từng bộc bạch trong Lời tựa cuốn “Martin Hoelderlin Và Tư Tưởng Hiện Đại”: Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác cũng đã điên. Để ngày nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: “Cớ sao mà điên”? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh (trích theo “Bùi Giáng - Trong cõi người ta”, tr.393-394).
Vậy nên, Bùi - Giáng - Tỉnh như “hươu non dịu dàng” hay Bùi - Giáng - Điên “rống to như thú dữ”, cố quận hay phiêu bồng… uyên nguyên vẫn chỉ một mà thôi.

BÙI GIÁNG - THÂN PHIÊU BỒNG, HỒN CỐ QUẬN

Hiểu Bùi Giáng đã khó, hiểu thơ Bùi Giáng lại càng quá khó. Ông cứ “ngày tháng ngao du” giữa cuộc đời bụi bặm, bước chân nhảy múa xôn xao, la hét huyên thuyên trên đường phố Sài Gòn. Rồi ông lại hàng giờ ngồi lặng như thiền dưới một tàn cây để thẫn thờ đếm những chiếc lá rơi tịch lặng. Có khi rong chơi suốt thời gian dài như kẻ không nhà. Có lúc lại đóng cửa nằm nhà hoặc đu đưa trên chiếc võng dưới tàn cây trong vườn suốt hàng tháng trời tịnh khẩu. Lúc như Bồ tát, lúc giống ăn mày; lúc tỉnh lúc điên, lúc đi lúc ở… Một thân phiêu bồng, một hồn cố quận, không biết nơi đâu là chỗ dừng chân…

1. Bùi Giáng - Một thân phiêu bồng

Cuộc phiêu bồng của Bùi Giáng là một cuộc rong chơi bất tận. Cơ hồ như từ trong bản thể máu tim của con người kia khi mới chào đời, đôi chân bé nhỏ chưa đủ sức kéo thân xác phiêu du, nhưng “tim máu” thì đã thoát xác phàm, du hành về những miền xa vô cùng tận: Anh nằm đây mà tim máu đi/ Đi chỗ khác, đi rất xa, xa lắm/…/ Đi chỗ khác xa vô cùng vậy!/ Vô cùng vô tận là ở đâu? (Xa vô cùng vậy). Như cánh chim én “ly kỳ”, thân non tơ, bé bỏng mà cánh dạt dào bay đến những chân trời mộng, “phiêu du qua bao đỉnh trời” (Trịnh Công Sơn), đôi cánh bay bé nhỏ mà “Dang tình yêu rộng ra ngoài trăm năm”: Còn chim chóc? Còn đâu đâu/ Những chân trời mộng chim dào dạt đi/ Ôi chim én! Ôi ly kỳ/ Tấm thân nhỏ xíu mà đi khắp trời/ Bởi nhòe đôi cánh thảnh thơi/ Dang tình yêu rộng ra ngoài trăm năm (Chuyện chim). Như vậy cánh chim phiêu bồng Bùi Giáng không chỉ phiêu du qua những không gian rộng mà còn phiêu du vượt cả thời gian đằng đẳng “trăm năm”, gom cả chiều rộng không gian vô tận và chiều dài thời gian bất tận. Đang ngẩn ngơ tìm dấu chân người trên mặt đất, thân phiêu bồng lại vút lên cả chiều cao dõi theo những áng mây trời đang lãng du trên cao xa lồng lộng: Tìm thơ dấu chân người xưa tư lự/ Ở bên đường ngóng dõi khánh vân bay (Những nhành mai), Xin chào nhau giữa bụi đầy/ Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu (Chào nguyên xuân), rồi: Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng/ Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen và:

Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiễng chân cao (Phụng hiến)

Phiêu bồng giữa hai chiều cao - thấp (Giữa Đất với Trời, Giữa Dấu chân/ Giữa bụi đầy/ Ngẩng mặt, cúi đầu/ Kiễng chân với Khánh vân/ Áng mây/ Ngàn mây cao rộng/ Níu trời cao), Bùi Giáng lại chuyển di theo cả hai chiều Nam - Bắc rồi lạc đến cả trời Tây: Bóng du ải Bắc phiêu bồng/ Thổi sương ngần bạch quyên vòng cõi Nam (Sầu lục tỉnh); Hờn phố thị để lạc hồn cõi lạ/ Sầu phố xanh từ bữa nọ em đi/ Tuyết trời Tây có nguôi lãng những gì (Không đủ gọi). Nghĩa là, con người ấy thực sự đã xê dịch bất tận đời mình trong cả bốn phương không gian. Không phải chỉ bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc theo lẽ thường của phép Tứ tượng mà là gom cả Ngũ phương của phép Ngũ hành vì có cả phương Trung ương (Trời - Đất). Đó chính là ngũ phương tung hoành ngang dọc, hoàn toàn không phải chỉ dừng lại đơn thuần ở bốn phương không gian.

Không  gian phiêu bồng trong thơ Bùi Giáng rất đa phương, đa diện, lúc bốn phương, lúc có cả năm phương, lại có lúc là “bốn phía, ba phương”: Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía/  Ba phương trời chung gục khóc đêm giông (Phụng hiến), lúc là “bốn trời, ba bề, bảy ngõ”: Nằm giữa vườn cây nhớ bốn trời/ Ba bề bảy ngõ nhớ muôn nơi (Cũng là như thể) cùng rất nhiều thứ phương tứ tung đảo lộn theo kiểu tư duy phiêu bồng rất Bùi Giáng: Bữa em đi trời xanh không nói. Rằng em sẽ ở cuối chân mây chân trời chân đất chân cát chân anh (Em quên)… Ngoài không gian vô tận ấy, cái sat - na thời gian cũng được Bùi Giáng thể hiện thành công bằng những “nốt nhấn thơ” tài hoa khiến mỗi lần đọc lên cứ nghe rờn rợn bởi cái “sự đi” vô tình của thời gian trong một kiếp người. Có cảm giác, hễ để vụt qua cái sát - na kia là thân trượt dài về với tàn phai và đổ vỡ: Lên mù sương xuống mù sương/ Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu (Áo xanh). “Xa bờ cỏ” là “xa đường yêu thương” trôi miên man giữa hai chiều mù sương phiêu dạt, để bất chợt đốn ngộ từ sát - na bé nhỏ giữa cuộc người rằng: Rồi từ đó về sau mang trái đắng/ Bàng hoàng đi theo gió thổi thu bay (Không đủ gọi) và: Hỏi rằng: từ bước chân ra/ Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài (Chào nguyên xuân). Chợt rùng mình nhớ lại cái sát - na mong manh giữa sống và chết trong tích tắt tàn hơi của thi sĩ Bích Khê: Ồ, đừng có ngớp! mời anh hãy bước/ Qua nơi này là cách biệt trần gian (Một cõi trời).

Dẫu biết một “phiêu linh” là một chịu “thiệt thòi”, là “tồn sinh” trong “cát lầm” bụi bặm cho bản thân mình: Thiệt thòi đời mộng phiêu linh/ Canh sương ngọc thụ tồn sinh cát lầm (Mùa phượng cũ) và đem lại sự “mòn mỏi” đợi chờ cho cả người ở lại: Hồn du mục cỏ hoa mòn mỏi/ Rừng đêm xanh trăng tạ không lời (Về giữa ngọ), Sườn non bốn vó ngựa trèo/ Sông mờ bóng phượng ai chèo thuyền nan (Phượng), thậm chí là phiêu du trong những trận đau đời “lồng lộn”: Các em vô tận phiêu bồng/ Phiêu du suốt cõi trận lồng lộn đau (Lời là) và thừa biết trong những cuộc “bỏ đi” ấy,  “khổ đau” luôn ập đến bất ngờ, không đợi chờ, “hò hẹn”: Nửa đời bỏ lạc thâu canh/ Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ/ Khổ đau về chẳng hẹn giờ/ Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi (Ngủ dài)… nhưng người thơ vẫn cứ duỗi rong như người thủy thủ trên dặm nghìn biển sóng: Tôi người thủy thủ ra đi/ Chân trời thấy nước đợi kỳ lên mây (Mái hiên), vẫn “thuận tòng chịu vậy”: Thôi thì vậy - hồng trần chịu vậy/ Thuận tòng theo quan ải đèo truông (Chuyện thình lình), thậm chí còn nhận ra rất rõ sự khoái cảm khi cuộc viễn hành để lại sau lưng những âm thanh “dội mãi” trên đường chiều: Những nhịp bước trên đường còn dội mãi/ Vang về đâu không vọng lại hồi âm (Chiều) và Bốn vó lên đèo truông ải vang/ Trùng quan một bận gió lên ngàn (Kể chuyện), nhận ra cả sự huyền diệu “lung linh” trong cuộc phiêu bồng vô cùng, vô tận: Đi về vô tận mà ra vô cùng/ Phiêu bồng cổ lục linh lung (Khách biên đình) qua suốt “mấy miền mấy cõi nhớ quên” vẫn nghe thông reo, rừng vọng, suối ngân đón chào trên truông đèo đi qua và trên cao kia những hào quang mây trời vẫy gọi: Đầu xanh tư lự mấy phen/ Mấy miền mấy cõi nhớ quên mấy lần/ Thông đèo rừng núi suối ngân/ Mây trời vấn vít hồng vàng mây bay (Chuyện chiêm bao 18)…

Có thể nói, Bùi Giáng thừa biết sự thiệt thòi, mất mát của cái thói phiêu bồng, nhưng nhà thơ nghiễm nhiên tuân thuận theo những chuyến duỗi rong và thậm chí còn rất “đã đời” trong những cuộc phiêu bồng ấy cho dù lãng du đến tận mây trời hay chỉ là những cuộc lãng du “chạy vòng” loanh quanh giữa cuộc đời thực tế: Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn” Chạy vòng quanh Thu Lục Tỉnh bao la/ Cồn Sa Đéc Sóc Trăng sương vòi vọi (Màu xuân).

2. Bùi Giáng - Một hồn cố quận

Gót phiêu bồng tung theo vó ngựa dù có tìm được khoái cảm, Bùi Giáng vẫn nhận ra sự “gay cấn” trong những cuộc phiêu bồng, vì thế, dù thân đã “đầu thai trong vó ngựa” hồng trần thì hồn thơ lại “hóa sinh” trở về bản nguyên nguồn cội giữa “núi đá mưa ngàn”: Lời gay cấn đầu thai trong vó ngựa/ Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn (Gửi thôn nữ); đôi lúc, nhà thơ còn thức nhận rất rõ cái “thiên cổ sầu” của sự chung chiêng “tơi bời lảo đảo” của những đoạn trường từ tạ để thấy cả cuộc đời bưng mặt khóc giữa biệt ly: Sầu thiên cổ chợt về trên nước dạo/ Gió biên đình chợt ẩy gục đầu hoa/ Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo/ Em ra đi - Đời bưng mặt khóc òa (Chiêm bao). Vì thế, nhà thơ dường như chỉ thực sự tìm được niềm vui khi quay về cố quận: Em về xứ cũ một mai/ Nhìn xem cố quận trúc mai hội hè (Nàng tiên ôi), và thực sự buồn nếu chỉ một đi mà chẳng trở về: Tôi ngồi khóc suốt sơn khê/ Ngàn sau ai dắt nàng về thăm tôi (Ôi một nàng tiên). Một nỗi buồn trùm “suốt” cả “sơn khê”.

Cứ ngỡ rằng, tìm được khoái cảm trong cuộc lữ của mình là một đi không trở lại, nhưng không, từ trong bản thể, cái “sơ nguyên mộng” vẫn là cái quyết định sau khi nhà thơ “sực tỉnh giang hà” giữa cuộc “biển dâu”: Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh (Áo xanh). Ở đây, hình như, sau khi trải qua muôn biến thiên, thăng trầm của “sử lịch”, nhà thơ đã ngộ ra cố quận nguyên sơ mới chính là nơi tái sinh của vĩnh viễn xuân: Vì từ độ manh nha trăng là nguyệt/ Kinh là kỳ từ sử lịch phân vân/ Từ cố quận tái sinh xuân tận tuyệt (Không thể nói rằng). Nếu nói rằng, cái “ban đầu” là “nguyên xuân” để rồi từ đó, con người làm cuộc dấn thân phiêu bồng thì sau cuộc dấn thân ấy con người lại trở về với cái- mai - sau- đầu - tiên, nghĩa là lại trở về cố quận khởi nguyên: Mai sau hẹn với ban đầu/ Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân (Hẹn ước). Chính vì thế, cố quận của Bùi Giáng, ở bề sâu triết học chính là cái Nhất Nguyên Thể Luận, cái uyên nguyên “sơ nguyên”, “nguyên xuân”, “nguyên tiêu” khởi thủy: Người kỹ nữ ngày xưa trên bến nước/ Sẽ đi về trong bóng nguyệt quanh năm/ Và sẽ nhắc với đời em chuyện trước/ Vòm nguyên tiêu rơi rụng giữa trăng rằm (Về giữa ngọ); là “rừng rú thẳm” , “quê thân thiết”: Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm/ Là quê thân thiết biết bao chừng (Người về); là “thôn làng”, “khe suối”, “hang rừng”: Xuống thôn làng ngó lá rụng ven khe/ Mùa tháng chạp chim trời xa lỡ hẹn/ Với sông thu từ một buổi bay về (Hang rừng). Cố quận sơ nguyên của Bùi Giáng còn là cái “đầu tiên… thiên hương thiên thượng” và “man dã”: Vì có lẽ từ đầu tiên em đã/ Là thiên hương thiên thượng vô biên thùy/ Em xuân sắc tìm anh từ man dã/ Em dã man gạn hỏi: anh là gì (Vì có lẽ); là cái “vạn đại” có người đẹp “đi về” sau cuộc trầm luân “no nê” với những phiêu bồng: Rồi nó khóc dỗ hoài nó không nín/ Nó nói rằng giờ bao tử no nê/ Nó khởi sự nhớ người yêu quá sức/ Ồ giai nhân! Từ vạn đại đi về (Người ấy). Đúng như thế, cố quận với Bùi Giáng là “cỗi nguồn”, “tình thương từ đầu”, “hương màu đầu tiên”: Tình yêu rất có cỗi nguồn/ Ấy là quý chuộng tình thương từ đầu/ Tình yêu đi mất từ lâu/ Vẫn còn ở mãi hương màu đầu tiên (Tình yêu). Vậy nên, từ những cõi phiêu bồng xa xôi có hình bóng “tố nữ tiên nga” với “tuyệt thể nín thinh”, người lại trở về “đủng đỉnh” gót trần và “thình lình cười to” giữa trần thế gụi gần trong “một giờ… bất ngờ tao ngộ”:
Em từ tố nữ tiên nga
Đi về đủng đỉnh như xa như gần
… Em từ tuyệt thể nín thinh
Bất ngờ tao ngộ thình lình cười to (Một giờ).

Ngoài cái cố quận trong tư duy của cỗi nguồn triết học ấy, cố quận tìm về của nhà thơ còn là sự trở về với bổn làng, đồng quê miền Trung đất Việt. Ở đây, người thơ cũng đã nhận ra những nét đẹp nguyên sơ đến mê cả hồn người: Sương đồng sương ruộng từ khi/ Ta từ vô tận mà đi trở về/ Một vùng thủy thảo thôn quê/ Tầm sương sái điện tê mê tình người (Cá sóng). Bùi Giáng còn mong muốn được hòa nhập vào đất quê, chân quê và xem như an nhiên trở về với “biểu tượng sơ nguyên”: Đồng ruộng đó đương chờ em bước tới/ Bàn chân nhỏ gót buồn em hãy vội/ Hãy chần chờ anh soạn sửa theo chân/ Áng mây xa cũng sắp lại về gần (Biểu tượng sơ nguyên). Cái cố quận gần hơn và cụ thể hơn nữa chính là đồng ruộng quê hương, làng xóm cũ Quảng Nam mà chính ông đã tự mình thất lạc bởi những cuộc phiêu bồng: Đi về làng xóm năm xưa/ Viếng thăm quê cũ người chưa quên người/ Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến nơi đây?”/ - “Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về” (Đi về làng xóm). “Từ đây tôi về” nghĩa là nhà thơ đã xem nơi xuất phát chính là nơi về lại. Trở về quê, người quê thấy lạ, cất tiếng hỏi, ông lại tỉnh rụi trả lời: Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà (Chào nguyên xuân). Có nghĩa là ông đã đi mà vẫn cứ như là ông ở. Người quê có tức giận, sững cồ thì ông lại lý giải bằng cái giọng điên điên chẳng ai giận nổi: Em có gặp nó bao giờ chưa ạ/ Ở Sài Gòn mà nói giọng Quảng Nôm/ Vì quê quán nó vô cùng xa lạ/ Với chúng ta là những đứa không khùng (Người ấy). Và khi hiểu ra thì ai cũng tin, cũng cảm thông vì thơ ông gọi tên đất, tên làng Quảng Nam quá đỗi giũ gần, thân thuộc: Thanh Châu - Thương nhớ ngàn ngàn/ Vĩnh Trinh Lệ Trạch muôn vàn Duy Xuyên/ Những người quen ở Bến Đền/ Bảo An Bàn Lãnh gần bên Xuân Đài/ Sông Thu Bồn vẫn thở dài/ Thương dòng khe nhỏ thương hoài suối con (Chiều nay). Người đọc thật sự thương cảm cho gã lãng du bởi trong thơ ông cái điệp khúc bàng hoàng cứ lặp đi lặp lại: Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/ Rong chơi Đại Lộc Điện Bàn/ Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình (Về Quảng Nam), Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/  Dòng khe mất bóng đá vàng/ Dòng sông trôi xuống Hội An, Kim Bồng (Tôi thấy tôi về).
Chiêm bao thấy mình về quê là kết quả của sự ám ảnh khi con người lúc tỉnh cứ thường trực nỗi nhớ quê. Cái cố quận Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng, mỗi lần đọc lên cứ rưng rức nhớ thương: Tuổi nhỏ băng qua mùa sóng trùng trùng không thỏa khi nhìn anh hai mắt hai môi trở về khóc than trở về không nói, trở về không thấy quê hương (Nhỏ dại). Không lắng lòng vào đất quê đến tận cùng nỗi da diết nhớ, không thể làm nên những câu thơ viết về quê hương như rút ruột thân tằm: Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt/ Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi (Người đi đâu). Cái bước chân tuổi nhỏ của nhà thơ cứ chạy suốt sáng đến chiều qua từng “hàng ngò bụi ớt luống cải” quê hương, chạy cùng nước mắt của cả một tuổi thơ ngập tràn thương nhớ: Ngọn đèn dầu khóc sáng và chiều em chạy bên hàng ngò bụi ớt luống cải nắng hồng vào trong tóc không khuây (Bờ xuân). Đúng là cả một hồn quê thấm đẫm chứa chan trong thơ Bùi Giáng: Một vùng nắng phủ mai thôn/ Sương trùm nước ruộng lá dồn xuống khe/ Mai sau dù có đi về/ Xin nhìn gió rụng ngành tre thưa rằng (Em về). Như vậy thân xác phiêu du mà hồn vẫn “bỏ lại” hòa tan trong “thớ đất ruộng thừa”, hiểu lòng quê đến mức nhìn thấu cả ruột gan quê xuyên qua hết xương cốt hình hài: Hồn bỏ lại ruộng thừa trong thớ đất/ Anh nhìn em trong suốt giữa xương da (Màu xuân).

Nếu ở miền cố quận được quan niệm theo tư duy triết học với những xứ sở “nguyên sơ”, “nguyên xuân”, “đào nguyên”… ta bắt gặp thấp thoáng những dung nhan phiêu bồng xa xôi như “tiên nga, tố nữ”, rồi cả trở về  “Nguyên lý Mẹ” với những “Huyền tẫn” Âu Cơ, Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Cương Nương Tử , Hà Thanh Cố Nương, Mẫu Thân Phùng Khánh… hoặc xa hơn như “cô mọi Châu Phi”, Marilyn Moroe, Brigitte Bardot… thì nơi cố quận đồng quê gụi gần, ta lại bắt gặp trong thơ Bùi Giáng rất nhiều những “Thôn Nữ Bờ khe”, “Thôn Nữ Bờ Mương”: Tôi ngồi liên tưởng bờ mương/ Có người thôn nữ khôn lường bờ khe (Bâng quơ), Em là Thôn Nữ Bờ Mương/ Dựng vòm cỏ xóa đoạn trường tương lai (Chào em), những “thuyền quyên”, “thục nữ”: Hãy mang tôi tới bất ngờ/ Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên/ Hãy mang tôi tới diện tiền/ Giết tôi chết giữa người thuyền quyên kia (Sa mạc trường ca) và cả những “Em Gái Núi”, “em Mọi Nhỏ Thanh Tân” hiện ra cũng đẹp tươi, nguyên sơ chẳng kém “thiên thần”: Em từ Gái Núi quá xinh/ Hùm thiêng ba cặp bình minh quây quần/ Em từ Mọi Nhỏ thanh tân/ Mười hai con mắt thiên thần mở ra (Gái núi mai sau)… Quả đúng là: Ông đi gặp gỡ thiên thần/ Ông về gặp gỡ từ phần tiên nương/ Ông nằm ngủ mộng du dương/ Thần tiên tụ góp miêu cương một giờ (Thần tiên cảnh giới). Nghĩa là, cả ở “nơi xa”, “nơi gần” trong vũ trụ vạn vật đều được ông  gom về  giữa cố - quận - lòng với “con tim nóng hổi chờ mong”, tận cùng “phụng hiến”: Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận/ Cho mây xa cho tơ liễu ở gần/ Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật/ Quả tim mình nóng hổi những chờ mong (Phụng hiến).

3. Bùi Giáng - Tuy hai mà một

 Phiêu bồng, ngao du cả trong đời sống và cả ở thi ca với một tinh thần “quyết liệt”, “quyết tâm”, “tận cùng”, “quyết thể” và “tận tuyệt”. Đó là Bùi Giáng. Nhưng có ngao du đến muôn xứ sở thì tấm thân bềnh bồng ấy cũng lại tụ về để “tao phùng” cùng “nguyên xuân”, “nguyên tiêu”, “bến đào nguyên” của những giai nhân, tố nữ, tiên nga… cùng “truông rừng”, “khe rú”, “ruộng đồng”, “hang động” của những “Cô Mọi Nhỏ”, những “Em Gái Bờ Mương”, những “thuyền quyên”, “thục nữ”… Lại cũng là Bùi Giáng:

Rồi từ đó anh trở thành quyết liệt
Quyết tâm điên và say rượu tận cùng
Vì quyết thể đã từ lâu tận tuyệt
Tới ngao du tuế nguyệt để tao phùng (Không thể nói rằng).

Có lẽ chính vì thế chăng, mà thơ Bùi Giáng cứ đặt ông vào thế đối lập trước - sau: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau (Chào nguyên xuân). “Phía trước” là “mùa xuân”, “phía sau” là cả giấc “miên trường”. “Ngày mai” là một thân “cá sóng phiêu bồng” nhưng rồi qua lớp “lớp phiêu bồng” dẫu trọn vẹn “trúc mai”, vầng trăng viễn du kia vẫn cứ “quy lai” về cõi “sương đồng” ở “cuối đường” cùng “ngàn xuân mở rộng” đón chào:

Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng quy lai
Lớp phiêu bồng mọc trúc mai
Một ngàn xuân rộng chào ai cuối đường (Gửi thôn nữ).

Phía trước - phía sau. Dừng lại - bước tiếp. Rảo bước giữa muôn dặm thị thành, lòng vẫn hướng về phía “xuân xanh”, vừa về với “bến đào nguyên” lại tiếp tục “khoác áo khinh cừu” làm cuộc viễn du bất tận: Buồn phố thị cũng xa bay theo gió/ Cộ xe nhiều cũng nhảy bỗng như hươu/ Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó/ Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu (Những nhành mai). Trong thơ Bùi Giáng có cả “hai miền” sau trước; có đến, có đi; có từ giã, có tao ngộ; có sự dùng dằng đi - ở, ở - đi: Du dương từ giã hai miền/ Nước truông còn chảy bên triền mây trôi/ Đầu khe lá cỏ phai rồi/ Đá vang tiếng ngựa bên lời ước mong (Sầu ca sĩ). Nhưng dùng dằng cho mấy, trước sau gì rồi vẫn trở về với “cỗi nguồn”, về lại chính nơi mình đã ra đi: Thưa rằng ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân (Chào nguyên xuân), và Sóng phiêu bồng tạnh màu mây xanh về (Sẽ đi)…

Đọc thơ Bùi Giáng, ta dễ nhận ra những xứ phiêu bồng và cả những miền cố quận vừa rất cụ thể nhưng đồng thời lại cũng đầy tính khái quát, biểu trưng. Hình như phiêu bồng là bản tính của thân phận nhà thơ, còn cái “cỗi nguồn” cố quận mới chính là cõi chân như, bản nguyên Bùi Giáng. Và, cũng hình như, trong tầm thấu đáo triết học mà Bùi Giáng là bậc thầy, ta có cảm giác “tuy hai mà một”:  Hỏi tên?Rằng biển xanh dâu
            Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
            Gọi tên là một hai ba
            Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm (Tặng Mã Giám Sinh)

 Như vậy, dù một thân phiêu bồng hay một hồn cố quận, bắt đầu hay cuối cùng, đi hay ở, dừng lại hay khởi hành, phía trước hay phía sau… thì cái kết thúc vẫn là cái ban đầu của con người và thơ ca Bùi Giáng: Đã đi đã đến cuối trời/ Đã về như vẫn muôn đời đã đi (Mùa Màng Tháng Tư). Cái “đồi sim trái chín” mà ông từng “lùa bò vào” từ thuở thanh xuân suốt núi đồi Trung Việt để rồi từ đó phiêu du đến mọi chốn mọi nơi thì cuối cùng vẫn là cái uyên nguyên còn lại nở thắm trong lòng ông một “màu hoa trên ngàn”, một làn “sương bình nguyên” vĩnh viễn của mùa xuân sơ nguyên từ vạn cổ. 

Hiểu và thấm thía cái triết thuyết Nhất Nguyên Thể  (Vạn vật khởi nguyên từ một thể), người đọc có thể sẽ nhận ra dáng hình và dáng thơ của “Đười Ươi thi sĩ” - khởi nguyên của loài người: Đi về trong cõi người ta/ Trước là thi sĩ sau là đười ươi/ Trận sầu kết chặt cơn vui/ Tiền trình vạn lý chôn vùi dấu chân (Gấu ôi). Và như vậy, cái câu hỏi khó trả lời xưa nay: “Bùi Giáng điên hay không điên”? cũng sẽ dần dần lộ diện như chính ông đã từng bộc bạch trong Lời tựa cuốn “Martin Hoelderlin Và Tư Tưởng Hiện Đại”: Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác cũng đã điên. Để ngày nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: “Cớ sao mà điên”? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh (trích theo “Bùi Giáng - Trong cõi người ta”, tr.393-394).

Vậy nên, Bùi - Giáng - Tỉnh như “hươu non dịu dàng” hay Bùi - Giáng - Điên “rống to như thú dữ”, cố quận hay phiêu bồng… uyên nguyên vẫn chỉ một mà thôi./.
                                   
                                                                                    Quảng Ngãi, tháng 5/2012
MAI BÁ ẤN
-------------
Tài liệu trích dẫn:
1. Bùi Giáng, Thơ Bùi Giáng chọn lọc, Nxb Tổng hợp Đồng Nai (2005)
2. Bùi Giáng, Mưa nguồn, Nxb Văn nghệ tái bản, Tp Hồ Chí Minh (2005)
3. Bùi Giáng, Rong rêu, Nxb Văn nghệ tái bản, Tp Hồ Chí Minh (2005)
4. Bùi Giáng, Mười hai con mắt, Nxb Văn nghệ tái bản, Tp Hồ Chí Minh (2005)
5. Bùi Giáng, Tuyết băng vô tận xứ, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh (2005)
6. Bùi Giáng, Thơ vô tận vui, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh (2006)
7. Bùi Giáng, Thơ vinh hoạ, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh (2007)
8. Nhiều tác giả, Bùi Giáng - Trong cõi người ta, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây (2008)

No comments:

Post a Comment