.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, January 24, 2013

VĂN CHINH TRẢ LỜI PV TIỀN PHONG : SỰ NHẾCH NHÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN CÓ MỘT PHẦN CỦA ÔNG HỮU THỈNH...


SỰ TỬ TẾ CỦA NHÀ VĂN

Cuối cùng thì té ra bác Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối nhận bằng khen của Hội Nhà Văn cho tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất" là do chị Hoàng Tuyên gọi điện thông báo cho bác ấy (thực ra là chị Tuyên gọi để hỏi thông tin để gửi giấy mời), và do mình gõ thừa chữ Một trong tên sách của bác ấy khi hân hoan thông báo trên blog của mình. Hôm qua mình có trả lời phỏng vấn báo SGGP về việc này, đợi in xong rồi sẽ post.



Cũng tối kia, mình, và rất nhiều người, đồng loạt nhận được tin nhắn của một số lạ, tố cáo việc đạo ý tưởng của một cuốn tiểu thuyết. Mình không tin và không coi đây là việc tử tế. Thôi kệ, nó cũng như đời sống ấy mà, có thế này thế kia, mình sống tử tế là được.

Đang nghĩ về sự tử tế thì nhà văn Văn Chinh gửi cho cái mail ông trả lời phỏng vấn em Dương Phương Vinh báo Tiền Phong. Đọc thấy cũng thú và cũng liên quan đến sự tử tế, đăng nguyên bản gốc chưa bị cắt lên mời các bác thưởng thức...
(Nguồn: Blog Văn Công Hùng).
------


Kg anh Văn Chinh

 DPV: Theo anh vì sao cuốn “Thành phố đi vắng” lại thắng “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” ở giải thưởng năm nay?

    Vì Thành phố đi vắng biểu hiện sự chín ở Nguyễn Thị Thu Huệ. Trước đây Hậu thiên đường của Huệ cứ tung tóe lên thì bây giờ cô ấy điềm đạm. Phát hiện cái thiện cái ác cứ như không. Cô ấy viết giỏi về sự sấp mặt, thật giả không biết đâu mà lần của con người và xã hội. Tôi vẫn đùa Thu Huệ là con mẹ lẳng lơ còn Y Ban là con mẹ lóe xóe. Thì hai con mẹ này trong sách mới của mình đều cảnh báo về một xã hội bất yên trước cái đẹp cái xấu, cái thiện cái ác.

    Một tác phẩm đoạt giải cao nhất phải thỏa mãn được nhiều người có chính kiến khác nhau. Nhớ lại hơn 20 năm trước tôi có truyện dự thi báo Văn Nghệ tên là Đi xe ngựa cũng chỉ mất một ngày đường có dư luận, nhiều người bảo phen này dễ đoạt giải nhất. Nhưng Đặng Ái nói một câu Nó phải đầy hơn, ấm áp hơn nữa. Đúng vậy. Giải nhất  vừa phải hay mà cũng phải vừa lòng nhiều người, ít nhất cũng thỏa mãn 70, 80 %  như Huệ lần này (6/7 phiếu).

Y Ban thiếu cái đầy, và không thuyết phục được số đông. Còn người chấm có cái lý của người ta chứ không phải họ không biết đọc văn, không đủ tâm đủ tầm đủ tài. Thậm chí người ta có thể nói đơn giản là tôi không thích tác phẩm của chị, tôi không hiểu nó thì đã làm sao!

Một tiểu thuyêt hơn 200 trang mà có đến chín chục trang thư, lại là thư tình của rô-bốt thì ai mà đọc nổi. 

  DPV: Theo anh muốn tương thư tình của mình lên mà làm cho người khác quan tâm thì cách nào hữu hiệu? Vì quả thật kể chuyện tình và phát hành thư tình không dễ, không cẩn thận thành tra tấn. Tôi nhớ trong bộ phim “Tình dục, tình yêu và những điều dối trá” đoạt giải Cannes có đoạn như sau: Khi một cô gái nói với một chàng trai mới quen rằng cô ta sẽ kể chuyện riêng của mình, anh này nói: Được thôi, nhưng sau đó tôi sẽ kể chuyện riêng của mình đấy.

Những bức thư của anh muốn hấp dẫn người đọc,  phải chân thành theo một kiểu nào đó. Anh phải đời sống hóa nó.Ví dụ trong thư có câu Vừa đi dự hội thảo Hoàng Quang Thuận về đây, thì nó sinh động hẳn, nó vẫn biểu hiện là một thứ rô-bốt Việt Nam thôi nhưng có đời sống. Đằng này cả chương Thư tình online 90 trang viết bằng những lời văn đều đều sáo rỗng, thiếu những lời tán tỉnh nhăng nhít ở các salon, công sở…

Nếu được quyền bỏ phiếu tôi sẽ là một trong 4 phiếu cho chị Y Ban và là bằng khen.

     DPV: Từ ngày nhận tặng thưởng chuyên mục “Người Việt phẩm chất và thói hư tật xấu” của báo Tiền Phong đến nay có khi nào anh trở lại chủ đề này?

     Sau một thời gian dài làm báo rồi lại không được khỏe, tôi đang huy động sức lực để viết tiểu thuyết Nằm ngửa đấm với. Lê Minh Khuê đã nói rất đúng rằng Tuổi già là con vật nhơ bẩn, tôi đang phải chống chọi với tuổi già, chán lắm.
Thói hư tật xấu của người Việt được tôi đưa vào nhân vật của mình. Nằm ngửa đấm với là một thành ngữ tiếng Việt. Hãy hình dung đang nằm ngửa mà lại còn đòi đấm với thì làm gì có sức nặng. Nẳm ngửa đấm với đầy yếu ớt bất lực chẳng phải là tình trạng của riêng ai bây giờ đâu.

      DPV: Anh nói không ai thù ghét nền văn học đương đại bằng các nhà phê bình nhưng cuối cùng anh lại được nhận giải thưởng lý luận phê bình với cuốn Đa cực và điểm đến?

     Trong tiểu luận Phê bình văn học và văn học – sự tương tác cơi nới nhau, tôi viết nguyên văn thế này: “Vào lúc bức xúc nhất, tôi đã nói, không ai thù ghét nền văn học Việt đương đại bằng các nhà phê bình văn học đương đại – đây hiển nhiên là một nhận xét không đúng.” Đó là cảm giác của người viết văn trước sự thiếu vắng phê bình nghiêm túc, trong khi lại đầy dẫy phê bình báo chí và điểm sách. Nhà thơ Hữu Thỉnh, tại một hội thảo thơ, đã nói “Có một cánh đồng bất tận những bài phê bình đánh giá rất cao những tài năng lớn, những tác phẩm lớn. Nhưng nhìn đi nhìn lại, ai là nhà văn lớn và tác phẩm lớn thì hiện đang ở đâu?” Những bài phê bình kiểu ấy vô tình đã tạo nên bất công trên văn đàn, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, Người đưa đường thọt chân của Bùi Việt Sỹ, Mảnh vườn xưa hoang vắng của Đỗ Chu, Nỗi lo âu làm người của Phạm Thị Minh Thư…và mới đây nữa, cuốn Chân trời xa thẳm của Trần Huy Quang mà theo tôi, chúng nó đứng ở tốp đầu chứ không phải là những cuốn sách quen thuộc thì bị mất hút trong biển sách. Tôi kể lại cốt chuyện hai cuốn trước cho các nhà văn Trung Quốc khiến học trố mắt và thú vị để nói, so với họ, Mạc Ngôn chỉ còn là nhà văn phong tục  khiến họ phải nhìn đoàn nhà văn Việt Nam khác hẳn. Vâng, tôi viết phê bình và chân dung nhà văn là vì tình yêu văn chương, là để học nghề, nhân thể, để chống bất công.

Lý do cuối cùng là do làm báo, thời gian của tôi bị cắt vụn ra, buổi tối trong các tuần tôi đọc, thứ bẩy chủ nhật ngồi gõ ra một lượng chữ  vừa một trang báo, ấy là bài phê bình. Như thế, trong khoảng mươi năm qua, tôi trở thành nhà phê bình tay ngang, có được hai cuốn sách. 

DPV: Nghe nói Sông của Nguyễn Ngọc Tư không được phiếu nào. Trong Sông cũng có đi phượt, có đồng tính, có tình dục oái ăm nhưng xem ra chưa ăn khách như những cuốn khác của Nguyễn Ngọc Tư. Anh thấy Sông thế nào, vì dù sao Nguyễn Ngọc Tư cũng được đánh giá là một trong những nhà văn quan trọng nhất hiện nay?

Tôi đọc Sông mới chỉ một lượt, chưa đủ để nói về nó. Chị nói đúng, Nguyễn Ngọc Tư hiện là một trong những nhà văn quan trọng nhất hiện nay; xin mượn lời Nguyễn Đình Thi nói về Đỗ Chu để nói về nhà văn trẻ rất chịu được đọc này, Tư đã tạo nên đẳng cấp một thế hệ. Văn Tư đọc cứ dính vào tâm trí và kết dính lại mà tạo nên ám ảnh. Cảm giác của tôi về Sông là độ dính đã yếu hơn, nó không đủ sức níu bạn đọc. Nhưng tôi tin Phạm Xuân Nguyên: “Tư vẫn vậy trong cách viết, nhẩn nha không đi đâu mà vội, nhẩn nha mà xoáy sâu, nhẩn nha mà tinh con mắt sắc cái nhìn ở chi tiết, nhẩn nha mà bất ngờ ở câu ở chữ của văn, sự nhẩn nha có lúc trễ nải, quẩn quanh. Sông là tiểu thuyết ở chỗ không thể kể lại nó dù là có thể kể, mà phải cảm nó, phải ngấm nó và ngẫm nó ở văn chứ không phải ở truyện.”

DPV:  Lâu nay anh nổi tiếng là hay bênh vực Hội Nhà văn và Chủ tịch. Với giải thưởng năm nay một lần nữa anh lại nói “sự tử tế đang đến dần dần” trong khi dư luận năm nào cũng đủ thứ ì xèo. Nhưng anh lại ở trong số những người cứ nhất thiết cho rằng những vị trí lãnh đao cao nhất ở Hội Nhà văn chục năm qua không có lựa chọn nào khác?

Hội Nhà văn có nhiều cái nhếch nhác, trong cái suy thoái chung của đạo đức, chính trị, xã hội; nhưng chỉ có vậy, nó không nhiều cái xấu hơn bất cứ ngành nào khác, thậm chí so ngay cả với báo chí. Chỉ có điều là nhà văn sẵn bút sẵn phím, có cái gì là cứ tung lên báo, lên mạng – tôi có cảm giác các nhà văn tự nguyện cung cấp thức ăn miễn phí nuôi sự hiếu kỳ (Gì cũng xem – Vương Hồng Sển) , sự thích nghe nói xấu nhau của người Việt mình và sự kéo mọi thứ xuống cho mình nhô lên của các nhà văn trung bình hiện đông đảo hơn gấp bội so với số các nhà văn chân tài. Nhưng Hội Nhà văn vẫn là một ngôi đền thiêng - thời - thị - trường hay nói cách khác, nó mới chỉ bớt thiêng. Bằng chứng là có hơn 600 hồ sơ xin vào Hội còn tồn đọng. Và, người ta cứ dè bỉu thế chứ năm 2012 có tới 217 tác phẩm tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn kia mà? Vâng, tôi nói “sự tử tế đang đến dần dần” là bởi trong cuốn Đa cực và điểm đến, tôi đã hơn một lần phê bình các nhà phê bình chuyên nghiệp, kể cả chê họ lười và viết không đúng; nhưng vòng sơ khảo tại Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội, tôi được 9 / 9 phiếu. Có phiếu đề nghị Giải thưởng, có phiếu đề nghị Bằng khen. Đó là một sự tử tế.

Trong Đa cực và điểm đến, bài tiểu luận Tiểu thuyết ABC, tôi có chê một số cuốn tiểu thuyết được Giải của Hội và nói: “Tôi nói có ông Thụy ông Huân ngồi đây, rằng Hội Nhà văn cứ đè những cuốn tiểu thuyết như thế mà trao giải thưởng là có lỗi với nền văn học đấy.” Và như chị biết, một trong 9 vị ủy viên Hội đồng Chung khảo tôi đã từng công khai phê phán. Nhưng tại vòng Chung khảo, tôi được 9 / 9 phiếu đồng ý trao Giải thưởng. Vậy là ba sự tử tế. Mà tôi cũng mượn lời. Đêm 16 – 1 vanvn.net mới đưa tin, 8 giờ sáng ngày 17 – 1, nhà văn Lê Khắc Hoan ở TP Hồ Chí Minh đã gọi điện: Mình hai lần phấn khởi. Thứ nhất, phấn khởi vì Văn Chinh nhận giải. Thứ hai, phấn khởi vì sự tử tế đã được một sự tử tế khác, lớn hơn, công nhận. 

Một phần nữa của câu hỏi, thật khó cho tôi lúc này nhưng cũng cứ xin thưa. Nhà thơ Hữu Thỉnh đang làm Chủ tịch Hội khóa thứ ba. Ông ấy là một người yêu Hội, làm việc từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày vì Hội. Ông ấy có nhiều nhược điểm, sự nhếch nhác của Hội nếu có, có một phần trách nhiệm của ông Hữu Thỉnh. 

Trong khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền phong, ông có nói về Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh: “Nhưng đó là nhà thơ số 1 hiện nay và là một người tốt.” Xin nói cụ thể hơn?

 Thưa chị,  việc nhà văn Y Ban bảo Hội nghề nghiệp không bênh vực chị ấy, có lẽ chị ấy nói thật. Nhưng không đúng hoàn toàn vì Hội đã can thiệp để truy trả lương suốt hơn ba chục năm cho nhà thơ Hữu Loan, (Cụ tự ý bỏ cơ quan về quê mà không làm việc) truy nhận tiêu chuẩn chế độ cho nhà thơ Bùi Minh Quốc, kiến nghị để Nhà nước trao Giải thưởng cho các nhà thơ Trần Dần.Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán và hàng loạt những cử chỉ ân tình khác. Sao có thể bảo Hội (ở đây là ý nói Hữu Thỉnh) vô cảm? Năm 1992, khi xẩy ra tai nạn nghề nghiệp Linh nghiệm, Hữu Thỉnh chỉ cần nói thực, rằng vợ tôi ốm tôi về Vĩnh Yên, in truyện ngắn ấy là do Võ Văn Trực Phó tổng biên tập trực tiếp duyệt thì có lẽ ông ấy vẫn bị khiển trách nhưng Võ Văn Trực sẽ ra sao? Trần Huy Quang sẽ ra sao? Không, Hữu Thỉnh kiên nhẫn viết 42 bản kiểm điểm, dự 42 buổi họp kiểm điểm, khư khư chịu trách nhiệm chính về mình. Tôi hy vọng, những nhân sự tiềm tàng của Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Quang Thiều…trong tương lai sẽ tiếp tục được nhân cách tốt và tránh được sự cả nể dẫn đến nhếch nhác của Hữu Thỉnh.  

DPV: Học theo cách Vũ Bằng vặn vẹo Nam Cao trong truyện Đôi mắt, anh thử cắt nghĩa cho tôi nghe vì đâu giới nhà văn lại có khuynh hướng cho rằng lao động của mình quan trọng hơn giới khác? 

Nhớ lại từ khi Hội Nhà văn có khoảng 500 hội viên, có nhà văn nổi tiếng đã nhận định: Nếu mỗi người có 1 cuốn sách để đời thì ít nhất chúng ta cũng có 500 cuốn sách để đời. Nhưng thực tế số này không đến một trăm. Bây giờ số hội viên đã trên dưới một nghìn, càng khó đạt con số để đời cao hơn, là hàng nghìn. Nhiều người viết tưởng mình đang mới lắm, cách tân lắm, cứ cuốn sau hơn cuốn trước nhưng bạn đọc sẽ nói: Nếu hay thì đây đã biết. Vẫn biết nhà văn thì phải có tác phẩm nhưng nhiều người vết như bổ củi mà chẳng báu cho ai, thế thà không viết hoặc bớt viết, anh nghĩ sao? 

Không biết mọi người sao chứ riêng tôi, tôi thấy lao động nhà văn chẳng có gì khác. Nói đặc thù nghề nghiệp thì múa, vẽ, đá bóng nhiều đặc thù hơn. Nếu chị thích bóng đá, chị sẽ thấy các cầu thủ thông mình hơn khi biết chắc là nếu mình giật gót trở lại, bạn mình sẽ nhận được bóng dù anh ấy đang chạy trước và cùng hướng tấn công. Họ nói bằng vô ngôn, điểm này các nhà văn, ít nhất là nhà văn Việt Nam kém hơn.
Câu “Nếu mỗi người có 1 cuốn sách để đời thì ít nhất chúng ta cũng có 500 cuốn sách để đời. Nhưng thực tế số này không đến một trăm.” Là của Trần Đăng Khoa và khi nói thế, Khoa còn tế nhị lắm. Cái nghiệt ngã của nghề này là nếu bây giờ hỏi chính Trần Đăng Khoa, rằng anh đã có sách để đời hay chưa, thì sợ rằng câu trả lời là khó. Không dễ như nói Trần Đăng Khoa có thơ để đời, bài Đám ma bác giun…Mấy hôm sau vụ HQT, khi nghe Y Ban nói xin hụm cao của ĐHG, tôi có chép miệng bảo: Nếu bây giờ xóa tên đi 950 nhà văn, thì sợ rằng tôi không còn tên; thôi cứ giữ lại gia gia còn 300 cho chắc mình còn. Nhưng trong 300 ấy, chưa chắc HQT không còn đâu nhé.

Biết thế, bảo nhau thế để cùng nhau khiêm nhường mà nỗ lực viết, nhất là bơn bớt những tuyên ngôn này nọ. Chị có biết vì sao bây giờ không thể đọc lại nổi những cuốn sách nổi tiếng một thời không? Vì, thức ăn tinh thần cho xã hội lúc nào cũng cần cơm canh nóng sốt, người ta chỉ cần biết lúc đói, còn tác phẩm để đời là quan tâm của chỉ một nhà văn. Trong bạn bè của chúng ta, như chị biết, có người sốt ruột từ bỏ vị trí số 1 của số ít để thành số 1 của số đông đó kìa, nhiều lắm. Xót xa lắm. 

Cảm ơn anh

2 comments:

  1. Vua chèo còn chẳng ra chi
    Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề
    (Được cái em Huệ "chín múp"!)

    ReplyDelete
  2. Một tay nhà báo dối già, không xuất thân trường lớp cho đàng hoàng, chỉ nhờ nịnh bợ Hữu Thỉnh mà thành "nhà phê bình lỗi lạc", ngang nhiên tuyên bố: "tôi có chép miệng bảo: Nếu bây giờ xóa tên đi 950 nhà văn, thì sợ rằng tôi không còn tên; thôi cứ giữ lại gia gia còn 300 cho chắc mình còn. Nhưng trong 300 ấy, chưa chắc HQT không còn đâu nhé..." thì đủ hiểu cái hội nhà đòn này có sức mạnh và mặt dày cỡ nầu rồi...

    ReplyDelete