.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, January 30, 2013

CÓ MỘT NGƯỜI NGA SUỐT ĐỜI DỊCH, QUẢNG BÁ VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn nghệ - Sau khi được sự chấp thuận của Đại sứ quán ta tại Liên bang Nga về việc tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam” cho nữ dịch giả người Nga Innesa Petrovna Zimônina (mà nhiều người Việt ta quen gọi thân mật bằng tên là chị Inna), tôi mới liên lạc qua điện thoại với chị, báo là tôi đang có mặt ở Matxcơva, và nhân chuyến đi này tôi còn được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phân công nhiệm vụ mang theo tấm Kỷ niệm chương trao tặng chị. Tôi thông báo thêm là Đại sứ quán ta đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nghi thức, mời chị tới Sứ quán để nhận Kỷ niệm chương này do chính Đại sứ Nguyễn Xuân Sơn thay mặt phía Việt Nam trao.

Chị Inna thật sự xúc động, nhắc đi nhắc lại lời cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam, bạn bè giới văn nghệ Việt Nam đã đánh giá cao đóng góp nhỏ bé của chị, nhưng chị lại cho biết hiện sức khỏe của chị không cho phép ra khỏi nhà, nhất là trong cái giá rét băng tuyết Nga dưới âm 200C như hiện nay. Chân chị đau, đi lại vất vả, lại thêm bệnh cũ- cao huyết áp. Đành phải bàn lại, xin phép chị Inna, tổ chức nghi thức trao Kỷ niệm chương ngay tại nhà chị. “Nhưng mà Toàn biết đấy, nhà chật, không thể tiếp đông người được” – chị Inna băn khoăn bảo tôi.

Tôi nhớ đã có lần tới thăm gia đình chị, tôi không chỉ đi một mình. Vào mùa thu năm 1994 (mới đấy mà đã gần hai chục năm rồi!) tôi đã kéo cả một đoàn xấp xỉ chục người tới thăm chị tại nhà. Lần ấy đoàn chúng tôi gồm có nhà văn Tô Đức Chiêu, chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Nhương và tôi – Chủ tịch Hội đồng văn học dịch của Hội, thay mặt Hội Nhà văn ta sang thăm các nhà văn Nga, thăm dò việc nối lại quan hệ giữa những người cầm bút hai nước sau sự kiện Liên Xô tan rã trước đó ba năm. Đoàn chúng tôi đã đến thăm lại nhiều nhà văn Nga quen biết cũ. Và đến nhà chị Inna, ngoài thành viên trong đoàn, còn có một nhà văn khác cũng ở trong nước mới sang và bốn năm anh chị em văn nghệ sĩ người Việt, đang sống, học tập và công tác tại Nga. ấy vậy mà tại căn hộ cũ của gia đình chị Inna vẫn đủ chỗ thoải mái cho cả chủ lẫn khách. Căn hộ có phòng khách khá rộng, kề ngay bên còn có xưởng vẽ cũng khá hoành tráng của chồng chị- họa sĩ Iuri Ivanov. Nhưng lần đi Nga công tác gần đây của tôi, đến thăm chỗ ở mới của gia đình, thì thấy căn hộ quả nhỏ hẹp hơn nhiều so với căn hộ cũ. Tất thảy chỉ có ba phòng, căn bếp cũng là nơi ăn uống tiếp khách luôn thể, kê gọn chiếc bàn tròn chung quanh bốn ghế nhỏ.

Hẹn trước đúng ngày 12 tháng 12 vừa qua, tôi cùng đại diện của Đại sứ quán ta, một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Matxcơva và một phóng viên Đài tiếng nói nước Nga đến nhà chị Inna. Sở dĩ chỉ có đại diện của Đại sứ quán, vì vào đúng cái ngày giờ đẹp có một không hai: 12 giờ ngày 12 tháng 12 năm 2012, Tổng thống mới đắc cử của Liên bang Nga, ngài V.Putin, sẽ phát biểu một thông điệp quan trọng với Quốc hội Nga tại Kremli, có mời quan khách và giới truyền thông, đông tới hàng nghìn người, trong đó có cả Đại sứ của ta. Chúng tôi đến nơi, chị Inna và chồng chị đã chờ sẵn, mở rộng cửa đón tiếp. Nghi thức trao Kỷ niệm chương rút gọn đơn giản: đại diện Đại sứ quán ta, đồng chí tham tán, nguyên là quyền Đại sứ tại Belorusia, phát biểu ngắn gọn, trao Quyết định và gắn Kỷ niệm chương. Chị Inna xúc động đến bối rối, chỉ nhắc đi nhắc lại lời cám ơn sự đánh giá cao “đóng góp nhỏ bé”, như chị nói, của chị với văn học Việt Nam.
Chị Inna Zimônia là một trong những người bạn Nga thực sự thân thiết, gắn bó với Việt Nam nói chung và đặc biệt với văn học, giới văn nghệ sĩ Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Năm 2011, lớp Ngữ văn Khóa 3 Trường Đại học Tổng hợp tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập lớp (1956-1961), nhà văn Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) trong Ban liên lạc đồng môn của lớp, biết tôi vẫn có liên hệ với chị Inna, nên đến nhờ tôi chuyển cho chị một tập kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm này, nhân thể biếu cả tôi một tập. Hóa ra chị Inna Zimônina là một trong 6 học viên người nước ngoài- trong số cả thảy 32 học viên của lớp Ngữ văn Khóa 3 này. Ngay trên bìa sách, cả mặt trước, mặt sau, danh sách lớp được ghi rõ tên chị Inna Zimônina đứng ở số 32 theo vần ABC. Hầu hết học viên trong nước của lớp này ra trường đều trở thành những cây bút có danh tiếng, đều trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Còn chị Inna Zimônina trở thành một dịch giả Văn học Việt Nam có tên tuổi quảng bá sang tiếng Nga.

Sau lớp Ngữ văn Khóa 3, chị Inna còn ở lại Việt Nam thực tập thêm một thời gian, chị đi sâu vào tìm hiểu Văn học Việt Nam giai đoạn 30-45, đặc biệt yêu mến sáng tác của nhà văn Nam Cao. Nữ nghiên cứu sinh người Nga đã tìm đến tác giả của công trình đầu tiên về Nam Cao Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc (1962) mới xuất bản của nhà nghiên cứu trẻ Hà Minh Đức. Giờ đây giáo sư Hà Minh Đức đã ở tuổi sắp bát tuần, đi lại có vẻ nặng nề, nhưng nhắc đến những kỷ niệm 50 năm về trước, vẫn đầy xúc động, linh hoạt hẳn lên. Bấy giờ nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy trẻ- chàng trai Hà Minh Đức có lần đã đèo xe đạp cô nghiên cứu sinh người Nga xinh xắn đi trên đường phố Hà Nội. Anh còn bố trí để địa phương mời cả cô cùng về nói chuyện tại Nam Định, rồi cùng về tận quê Nam Cao. Và nhờ thế mà có lẽ Inna đã càng yêu mến Nam Cao; thực sự thấm thía am hiểu sáng tác của nhà văn, nên chị đã bắt tay dịch ngay một số tác phẩm của nhà văn Việt Nam đặc sắc này.

Năm 1963, Nhà xuất bản Văn học quốc gia Liên Xô đã ấn hành tập tuyển đầu tiên tác phẩm Nam Cao bằng tiếng Nga. Trong số 15 tác phẩm, bên cạnh tên tuổi của các dịch giả thế hệ đầu tiên văn học Việt Nam trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Nga, như I.Bưstrov, Marian Tkachev, N.Nikulin, thì có tới bốn tác phẩm của Nam Cao, dưới bản dịch ra tiếng Nga, đã đứng tên nữ dịch giả trẻ Inna Zimônina: Nửa đêm, Xem bói, Mò sâm banh Nỗi truân chuyên của khách má hồng.
Từ đó Inna Zimônina liên tiếp đưa đến cho bạn đọc tiếng Nga các bản dịch xuất sắc tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam các thế hệ khác nhau: những truyện ngắn đặc sắc, như Người ven thành của Tô Hoài, Những truyện không muốn viết cũng của Nam Cao, Bông hoa thượng uyển của Chu Văn, Mùa đông, tuyết tan của Hoàng Trung Thông, Hoa hồng, Làng cát của Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, nhiều tác phẩm của Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Vũ Hạnh…; nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, như Bí mật miếu Ba Cô của Văn Trọng, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng, Đi tìm đảo ngọc của Trần Thanh Giao, Dưới chân núi Nghè, Miền quê xa xăm của Văn Linh…., rồi các tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại, như Miền cháy, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Dưới đám mây mầu cánh vạc của Thu Bồn, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Những ngôi sao xa xăm của Lê Minh Khuê…

Inna Zimônina còn viết giới thiệu và dịch bản dịch nghĩa để nhà thơ lão thành Paven Antokolski dịch thành thơ sang tiếng Nga bản nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, tham gia trong bộ biên tập gồm 7 nhân vật, đều là những nhà văn nổi tiếng, của bộ tuyển văn học Việt Nam đương đại 15 tập ra ở năm nhà xuất bản lớn của Liên Xô trong vòng 6 năm (1979-1985). Trong bộ 15 tập ấy, chị còn cùng dịch giả Marian Tkachev trực tiếp tổ chức tuyển chọn tác phẩm, tổ chức bản dịch nghĩa, ra đề thi dịch để chọn lấy các bản dịch thơ xuất sắc, ra tuyển tập Thơ các nhà thơ trẻ Việt Nam…

Phải nói thêm, công việc dịch sách như trên là công việc riêng, làm theo ý thích của mình, còn thực ra công việc chính của chị Inna Zimônina sau khi học về, là làm công tác trong Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Liên Xô. Từ năm 1960 và trong những năm 70, 80, Inna Zimônina, nhiều lần trở lại Việt Nam, tháp tùng các đoàn đại biểu các nhà văn Liên Xô sang ta công tác, hội họp, trao đổi, hợp tác. Cả trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, cả những ngày sau khi đất nước ta thống nhất, xây dựng hòa bình. Và thường xuyên chị lại đón tiếp các nhà văn Việt Nam, khi đi cả đoàn, khi đi lẻ, sang Liên Xô công tác, tham dự các cuộc họp quốc tế, các hội thảo, các hoạt động văn hóa, lễ hội, cả những chuyến đi sáng tác, nghỉ dưỡng… Những lần như thế chị thường săn sóc chu đáo cho từng nhà văn ta, mỗi người mỗi tính, mỗi thói quen, mỗi đòi hỏi. Chị đã trở thành người bạn thân thiết không những của các nhà văn Việt Nam cùng trang lứa, mà cả các bậc đàn anh, như các cụ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông…

Đánh giá công lao đóng góp của chị Inna Zimônina vào việc phát triển và củng cố mối quan hệ giao lưu văn hóa Nga – Việt, công lao đóng góp trong việc dịch và truyền bá văn học Việt Nam sang tiếng Nga, ngay từ năm 1982 chính phủ ta đã trao tặng chị Huân chương hữu nghị, cùng một đợt với các nhà văn Liên Xô khác như Ev. Dolmatopski, Marian Tkachev, Nikolai Nikulin, Ev. Evtusenko.

Trong những người cùng chị Inna Zimônina nhận Huân chương Hữu nghị năm ấy, nay đã có ba người, nhà thơ Ev. Dolmatopski, hai dịch giả hàng đầu, Marian Tkachev và N.Nikulin, đã quy tiên. Một điều an ủi là tuy cũng đã ở tuổi cao, lại đau yếu, nhưng chị Inna Zimônina vẫn minh mẫn, vẫn tiếp tục công việc dịch, quảng bá văn học Việt Nam. Mới đây, bản dịch tác phẩm Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khải Hưng, do chị Inna cứ lặng lẽ dịch, yêu thích mà dịch, đã được một nhà xuất bản lớn đương đại của Liên bang Nga ấn hành, đưa đến tay bạn đọc Nga. Chị Inna lại đang tiếp tục dịch truyện ngắn của nhà văn Vũ Hạnh, mà trước đây chị đã từng dịch dở. Chia tay sau buổi gặp gỡ vừa qua, chị Inna Zimônina đưa cho mẩu giấy nhỏ ghi tên tác phẩm tập truyện Chất ngọc của Vũ Hạnh xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh, trong đó truyện ngắn Tô cháo lòng ở trang 86-118, chị bảo đã dịch gần hết, khi nào xong sẽ gửi về cho tôi, “Tùy Quỹ1 sử dụng”- chị nói thêm.
THÚY TOÀN
(1): “Quỹ hỗ trợ quảng báVăn học Việt nam – Văn học Nga”

No comments:

Post a Comment