.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, January 18, 2013

“VĂN CHINH BÊNH BÀI THƠ HỎI LÀ BÊNH CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VN” VÀ ĐÃ KIẾM ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN 2012 !?

Giải thưởng Lý luận phê bình Hội Nhà văn VN 2012 đã được trao cho cuốnĐa cực và điểm đến” của nhà văn Văn Chinh. VC+ đã nhận được khá nhiều email về giải thưởng Hội Nhà văn năm nay.

Đã có ý kiến nêu rằng, sau những lần “đeo khiên” che chắn nắn bi cho nhà thơ – Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh mà giờ Văn Chinh có tí “ti bột ngọt”; còn cái loại vung tay, đá chân ngang ngóc nhìn giải thưởng mà khóc nhé, sữa thơm chỉ vắt cho chú nào biết cúi xuống. Bài biện dưới của nhà văn Văn Chinh, cho rằng bài thơ “Hỏi” của nhà thơ Hữu Thỉnh không đạo văn...
Dù Văn Chinh cũng giỏi cãi, song “hàng lộ” rồi, thơ ta và thơ tây đều “nguyên con” ở đấy, dân tình có quáng đâu mà nhìn gà hóa quốc. Thật là, yêu nhau như thế bằng mười hại nhau, làng văn đều dưới quyền ông chủ tịch Hội, đã lâu rồi, đều lờ lớ lơ quên đi bài thơ “Hỏi”, thì Văn Chinh lại bạo gan bới thối lại. Phải chăng…?
Dưới đây là bài bới lại của Văn Chinh…
SỰ BÔI NHỌ CÓ THỂ NẰM Ở LỜI NÓI DỐI, CHÂN LÝ THÌ KHÔNG!
Dăm năm trước, Tuần san Kiến thức Gia đình  (phụ san của báo Nông nghiệp Việt Nam) số  46 (453) có bài Hỏi ai chuyện phóng tác thơ? của tác giả Đồng Văn, kèm bài viết của Nguyễn Trọng Tạo nói một khả năng Hữu Thỉnh phóng tác bài thơ Hỏi dựa trên bài thơ Thượng đế sinh ra mặt trời của nữ sỹ Đức Christa Reinig. Đến số 48 lại đăng bài của Trần Hoàng Nhân và cũng kèm bài của Nguyễn Trọng Tạo trở lại vấn đề này. Tôi vì là người của báo Nông Nghiệp Việt Nam, thấy có trách nhiệm với bạn đọc của mình mà viết bài nói lại và chỉ với mức độ một tờ báo không chuyên; nhưng cũng đã ngã ngũ và vấn đề đã được khép lại.
Nhưng Thư ký tòa soạn của Tuần san Kiến thức gia đình là Lê Thiếu Nhơn đã đưa loạt bài của các tác giả trên lên website cá nhân, cùng với nhiều comment, nó tiếp tục lan tỏa theo chiều hướng nhiều người nói hổ về giữa chợ. Tôi có bài sau đây, nói kỹ hơn bài đã nói ở Kiến thức gia đình, đưa đến một tờ báo, nhưng người có trách nhiệm nói nên dừng thì tốt hơn vì thực ra mọi sự om sòm trên mạng đều qua đi nhanh chóng. Nhưng thực tế đã chứng tỏ sự lo ngại của tôi là có căn cứ, sự dối trá nếu chưa được chỉ ra tường tận, nó sẽ chờ dịp để tiếp tục bùng lên. Và nó lại vừa mới bùng lên. Đến một nhà thơ quan chức của Hội Nhà văn Việt Nam cũng “ngờ ngợ” chuyện này, ngay trước ngày trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Vậy xin trở lại vấn đề này.
Trước hết, xin bạn đọc cả ba bài thơ:
Hỏi

Hữu Thỉnh

Tôi hỏi đất: Đất sống với  đất thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời

 Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
                                            1992

Thượng đế làm ra con người  (Bài 1) 
C. Reinig, Quang Chiến dịch, in trên Tạp chí Văn học nước ngoài số 6 năm 2002)

Tôi gọi gió
Gió trả lời tôi
Gió nói
Tôi ở bên em

Tôi gọi mặt trời
Mặt trời trả lời tôi
Mặt trời nói
Tôi ở bên em

Tôi gọi vì sao
Xin hãy trả lời tôi
Các vì sao nói
Chúng tôi ở bên em

Tôi gọi con người
Xin hãy trả lời tôi
Tôi gọi - và im lặng
Không ai trả lời tôi.


Thượng đế sinh ra mặt trời 
  
(Ông Đại Lãng Du Tử dịch, nói là của C. Reinig và ông Đồng Văn dẫn lại, nói là do Quang Chiến dịch và đăng trên KTGĐ, Bài 2)
Tôi hỏi gió
Gió sống với em thế nào?
Gió luôn ở bên em

Tôi hỏi mặt trời
Mặt trời với em thế nào?
Mặt trời luôn ở bên em.

Tôi hỏi các vì sao
Các vì sao với em thế nào?
Các vì sao luôn ở bên em.

Tôi hỏi con người
Con người với em thế nào?
Con người im lặng không ai trả lời tôi
 Nếu so sánh Hỏi với bài 1, ta thấy Hỏi  Thượng đế làm ra con người chỉ có tư duy gần nhau, nhưng tứ và cấu trúc thơ khác hẳn. Hỏi nói về việc con người cư xử với nhau, đặt nó trong tương quan với cỏ, đất và nước và nóng bỏng một khát vọng rằng, con người hãy học cỏ, đất, nước; hãy học tự nhiên mà sống với nhau. Thượng đế đã làm ra con người nói về nỗi cô đơn của một người con gái, cô đơn giữa  sum vầy của gió, mặt trời và những vì sao nhưng cô đơn tuyệt đối giữa con người. Nói cụ thể hơn, nội dung bài 1 là khi em gọi thì gió, mặt trời, vì sao đều trả lời và nói đang ở với em; còn gọi người thì người không thưa; nội dung bài Hỏi là nói quan hệ giữa đất với đất, nước với nước, cỏ với cỏ và người với người. Ý khác, tứ càng khác, cấp độ hay thì bài 1 không thể so với bài Hỏi.
 Nhưng vấn đề là ở chỗ ông Đại Lãng Du Tử đã dịch lại bài 1 thành bài 2, theo chiều hướng nó gần giống với Hỏi hơn với một ý đồ  chúng ta sẽ bàn sau. Một BTV của Vietnamnet nói Lãng Du Tử là ĐTH, nếu đúng như vậy thì ông này không biết tiếng Đức. Và như vậy, có thể giả định, ĐTH đã dịch từ tiếng Ta ra tiếng Việt trên cái nền bản dịch của Quang Chiến. Và ông đã thay đổi một số từ với mục đích đẩy nó gần với Hỏi.. Trước hết, ông ta đổi tên bài thơThượng đế làm ra con người thành Thượng đế sinh ra mặt trời, rồi dịch toàn bài như là bài đánh số 2.
Trong bài viết của mình, ông Lãng Du Tử nói là bài Thượng đế sinh ra mặt trời,  là bản tiếng Việt do một ấn phẩm của miền Nam dịch trước năm 1975. Tôi chỉ đọc lướt qua một lần, vài ngày sauVietnamnet không giữ nó trên mạng nữa, nên không rõ chúng có được ông Đồng Văn chép lại nguyên xi hay không. Nhưng ta cứ tạm dùng bản của Đồng Văn này, thì thấy, tuy ông cố tình thay chữ gọi bằng chữ hỏi khiến có vẻ gần hơn; nhưng vẫn khác bài Hỏi của Hữu Thỉnh. Điều đáng nói ở đây là ông  (hay bà) Đồng Văn không chép nguyên xi bản dịch của Quang Chiến mà lại nói là bản dịch của Quang Chiến (xin bạn đọc đối chiếu, nó được in ở Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn VN, số 6 năm 2002) thì chính ông đã có hành vi lừa dối bạn đọc, với dụng ý gán cho Hữu Thỉnh sự ảnh hưởng, sự đạo thơ.
Khi Lãng Du Tử và Đồng Văn nghi vấn Hỏi được phóng tác trên cơ sở Thượng đế sinh ra mặt trời và đưa ra dẫn chứng mù mờ, rằng nó từng có bản dịch in ở miền Nam trước năm 1975; tôi có quyền đòi các ông nêu ra bằng chứng, như mọi bạn đọc khác dù không phải là quan toà. Bởi nếu không cần bằng chứng mà vẫn có quyền nói về các nghi vấn, và tôi cứ nói rằng 30 bài Nguyễn Trọng Tạo dịch thơ Esenin in trên Văn học nước ngoài số 6.2006 là dịch phóng từ bản dịch thơ của Thuý Toàn, thì liệu có được không? Rồi ngay cả trong bài Xin chuyển lời khen của Nguyễn Trọng Tạo in cạnh bài Trần Hoàng Nhân cũng có một chi tiết nói dối: “Và gần đây, tên tập thơ này được đưa vào danh sách tác phẩm của Hữu Thỉnh trong đơn tự đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh.” Ông Hữu Thỉnh, cũng như các nhà văn nhà thơ khác, không ai làm đơn tự đề cử giải thưởng văn học; ơn Trời, ở nước Việt ta chưa có ai làm việc này. Nói chuyện với những người như các ông ấy, thưa bạn đọc, tôi có kinh nghiệm là cứ phải có bằng cứ! Các ông không đưa ra bằng cứ mà nói phóng tác và đạo thơ là cố tình bôi nhọ người khác đồng thời với việc mắc tội nói dối công chúng.
Vẫn trong bài Xin chuyển lời khen, nói (trước đó) ông Nguyễn Trọng Tạo đã khen Hỏi là bài thơ hay nhất trong tập Thư mùa đông...Tôi muốn chuyển lời khen của tôi về bài thơ Hỏi của anh Thỉnh cho bài thơ Thượng đế làm ra con người của Christa Reinig. Chắc là đúng hơn!” Ông nói thế sau khi đã chính thức nói Hữu Thỉnh đạo thơ cho nên cần bàn cho ra nhẽ. Về việc chuyển lời khen, tôi nghĩ ông Tạo có quyền khen thơ ai rồi bỉ báng người đó một khi ông thấy là cần; bà C. Reinig có nhận lời khen của một người như ông, một lời khen nhầm lẫn (do không cân nhắc kỹ) và rất vô văn hóa như vậy hay không, ấy cũng là quyền của bà. Nhưng tôi xin bà nhớ cho, nhà văn Việt Nam chúng tôi, không phải ai cũng khiếm nhã thế đâu và xin dặn bà, hãy cẩn thận, vì với logic của Trần Hoàng Nhân, mươi năm sau biết đâu ông Tạo lại chuyển lời khen bà cho cụ Nguyễn Trãi, vì bà cũng “phóng tác” từ bài Mạn thuật của tiên sinh, có thể lắm chứ?
Nhưng, thưa ông Nguyễn Trọng Tạo, ông nói hai người có đọc bản dịch TĐLRCN trước 1975, là Nguyễn Đức Thọ (nay đã mất) và Cao Xuân Sơn và họ khẳng định Hỏi là một bài thơ cóp, rồi chính ông bảo Hữu Thỉnh đạo thơ. Như vậy là đã trở thành vấn đề là vu cáo hay không vu cáo người khác đạo văn rồi. Cho nên, với tư cách một bạn đọc, tôi yêu cầu ông nêu rõ bằng chứng.
Ông Nguyễn Đức Thọ nay đã mất, còn ông Cao Xuân Sơn, ông Tạo có thể hỏi xin để đưa ra bản gốc? Nếu vì thời gian eo hẹp, hay vì ông Sơn không nhớ cụ thể thì xin chỉ cần nói nó in ở tạp chí hay báo văn nào, khoảng năm nào chúng tôi sẽ xin vào thư viện lục tìm rồi sao chụp lại? Nếu ông Tạo không đưa ra bản gốc, và chừng nào Kiến thức gia đình chưa công bố bản dịch ấy, thì chừng đó tôi vẫn giữ ý kiến ông Tạo nói sai sự thật. Một nhà thơ, sau hơn nửa đời nhon góp để tên tuổi trở thành  một nhạc sỹ danh tiếng; viết bài hơn 400 chữ, nói hai điều mà cả hai đều là nói dối thì không còn là chuyện nhỏ nữa đâu, xin ông cứ suy nghĩ trước khi quyết định hỏi hay không hỏi ông Sơn. Xin đứng trên quyền lợi của thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo mà đòi hỏi vậy!
Nhưng tôi ngờ rằng, cả Lãng Du Tử, Đồng Văn, Trần Hoàng Nhân và đặc biệt Nguyễn Trọng Tạo không ai trong bốn ông ấy lại tin rằng giữa Hỏi  Thượng đế làm ra con người lại có máu mủ ruột rà. Tôi đã mất công chép cả ba bài thơ và đặt nó trong bài viết của mình, vì tôi tin vào sức đọc của bạn đọc, rằng bạn cũng tin như tôi, ở đây không có sự đạo văn, không cả sự phóng tác.
Trong quy luật sáng tạo nói chung, khái niệm tiếp biến là mắt xích quan trọng của phát triển; văn học không nằm ngoài quy luật ấy. Nếu ông Nguyễn Trọng Tạo chính thức yêu cầu, thì ngay tuần sau, tôi có thể mượn cách (logic, phương pháp) mà ông nói người khác đạo thơ, rằng ông Tạo đạo thơ (tuy rằng, hiện giờ tôi cũng nhớ mấy câu thơ của ông có dáng dấp thơ người khác nhưng vẫn không bảo ông đạo thơ họ.) Ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tư duy gần nhau, thậm chí trùng nhau là lẽ thường trong sáng tác. Chúng ta ai cũng biết chắc, thời Rabindranatha Tagore sống, thơ Nguyễn Trãi chưa dịch ra tiếng Anh, tiếng Hindu nhưng tư tưởng lớn đã gặp nhau thế này:
Nước một tuôn đến biển càng cả/ Đất một trùng thêm, núi một cao (Nguyễn Trãi)
Cuộc đời hôn lên môi ta bao nỗi đắng cay/ Nhưng lại đòi ta cất cao tiếng hát (Tagor)
Bạn đọc có thể không, nhưng nhà thơ thì ai cũng biết câu thơ tuyệt vời sau đây của Nguyễn Du: Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông là tiếp biến từ câu thơ của Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Mặt người không biết đi đâu vắng/ Hoa đào như cũ vẫn cười với gió đông.) Điều oái oăm của ngôn ngữ là, nếu bây giờ ta dịch câu của Nguyễn Du sang tiếng Hán, và dịch láu cá, có thể dùng nguyên xi câu của Thôi Hộ sau khi đã thay hai chữ tuyệt vời của cụ Nguyễn Du là bóng người tinh tế thành thô vụng là nhân diện  năm ngoái thành y cựu. Cũng vậy, câu đầu tiên của C. Reinig mà Quang Chiến dịch là Tôi gọi gió, Lãng Du Tử cố tình dịch là Tôi hỏi gió và tôi cũng có thể dịch sát hơn: Tôi hô phong!
Hà Tốn, một nhà thơ thời Lục triều của Trung Quốc có câu thơ nổi tiếng: Bạc vân nham tế xuất/ Sơ nguyệt ba trung thướng (GS Nguyễn Khắc Phi dịch là Mây mỏng bay lên từ đá núi/ Trăng non nhô lên trên sóng.) Đỗ Phủ, thi bá đời Đường đã mượn đến 7 chữ của Hà Tốn để làm nên hai câu thơ 10 chữ nổi tiếng khác và hay hơn: Bạc vân nham tế túc/ Cô nguyệt lãng trung phiên ( tạm dịch: Mây mỏng ngủ nhờ trên đá núi/ Trăng lẻ vươn mình trên sóng khơi.) 
Tôi cố ý nêu ba ví dụ, để bênh vực cho hai người nước ngoài và một người trong nước, kẻo ông Trần Hoàng Nhân lại bảo tôi có động cơ không tử tế. Chả là, trong bài viết của mình, ông Trần Hoàng Nhân bảo tôi bênh vực Hỏi là bênh vực Chủ tịch Hội, định kiếm chức tước chi đây. Vâng, chỉ có sự bôi nhọ mới nằm trong lời nói dối, chứ chân lý thì không.
(Bài này có thể tìm thấy trong pagewash:
Nguồn: Vanchinh.net

2 comments:

  1. hoi nha van hay la hoi nha an...

    ReplyDelete
  2. 1:
    Tôi hỏi gió
    Gió sống với em thế nào?
    Gió luôn ở bên em
    -
    Tôi hỏi đất: Đất sống với đất thế nào?
    Chúng tôi tôn cao nhau

    -Tôi hỏi thơ: Thơ sống với thơ thế nào?
    Chúng tôi nương ý tưởng của nhau!

    2
    Tôi hỏi mặt trời
    Mặt trời với em thế nào?
    Mặt trời luôn ở bên em.
    -Tôi hỏi nước: Nước sống với nước thế nào?
    Chúng tôi làm đầy nhau
    -
    Tôi hỏi nhà thơ: Nhà thơ sống với nhà thơ thế nào?
    Chúng tôi bắt chước nhau.


    3

    Tôi hỏi các vì sao
    Các vì sao với em thế nào?
    Các vì sao luôn ở bên em.
    -
    Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ thế nào?
    Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời
    -
    Tôi hỏi cỏ và các vì sao:
    Cỏ và các vì sao sống với nhau thế nào?
    -Các vì sao và cỏ luôn đan vào nhau.
    4.

    Tôi hỏi con người
    Nhà thơ và chủ tịch Hội sống với nhau thế nào?
    -Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.

    (Bạn đoc)

    ReplyDelete